Trong tỉnh

Sống “3 không” ngay giữa lòng TP Sầm Sơn

Mang tiếng là khu dân cư giữa thành phố du lịch nhưng hơn 8 năm qua, hàng trăm người dân phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) phải sống trong những căn nhà tạm, không trường, không điện, không nước, cơ sở hạ tầng thì tạm bợ...

Hộ gia đình ông Đỗ Đình Hưng (bên phải) thôn Kiều Đại 3 đại diện cho 27 hộ dân bức xúc khi nộp tiền đất từ năm 2009 đến nay vần chưa được cấp trích lục quyền sử dụng đất. Ảnh: Ngọc Hưng

“Sống mòn” ở mặt bằng không điện, không nước...

Theo trình bày của người dân thôn Kiểu Đại 3 (phường Quảng Châu), năm 2010, nhằm phục vụ dự án làm đường nên người dân đã bàn giao mặt bằng và được bố trí mua đất tái định cư tại mặt bằng số 38 (phường Quảng Châu). Sau khi nộp tiền và các loại phí theo yêu cầu, nhưng hơn 8 năm qua, ước mơ được cầm cuốn sổ đỏ vẫn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của họ. Vì không có sổ đỏ nên hàng chục hộ gia đình nơi đây rơi vào cảnh sống thiệt thòi trên chính mảnh đất của mình. Không có sổ đỏ, đồng nghĩa với việc các hộ dân muốn xây dựng cũng không được, muốn thế chấp ngân hàng để vay vốn kinh doanh cũng không. Sang tên mua bán hay chuyển nhượng đều không thể...

Trong căn nhà cấp bốn tạm bợ, ông Đỗ Đình Hưng cho biết: “Sau khi nhà nước thực hiện dự án Đại lộ Nam sông Mã, gia đình tôi và khoảng 40 hộ dân khác ở thôn Kiều Đại 3 được tái định cư ra mặt bằng số 38. Mỗi hộ thời điểm bấy giờ (năm 2010) phải nộp cho UBND xã là 75 triệu đồng tiền mua đất, có phiếu thu, chữ ký của chính quyền. Sau khi nộp tiền, xã có hứa sẽ sớm làm trích lục đất cho bà con. Song từ đó tới nay, dù nhiều lần người dân kiến nghị lên xã, kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được xử lý. Khi tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết Chủ tịch UBND xã thời điểm bấy giờ đã sử dụng số tiền dân đóng để cho các đơn vị nhà thầu thi công tạm ứng, chi trả nợ các công trình sai mục đích”.

Cách hộ ông Hưng không xa là hộ ông Đỗ Đình Nguyên. Ông Nguyên cho biết: “Gia đình đang xây dựng tầng 2 căn nhà. Chật chội quá gia đình không thể chấp nhận mãi cái cảnh chờ sổ đỏ rồi mới làm. Mới rồi, quy tắc đô thị thành phố xuống lập biên bản đình chỉ, không cho gia đình tôi tiếp tục xây dựng...”.

Cùng cảnh với gia đình ông Hưng, ông Nguyên là hàng chục hộ dân khác. Trong đó, phần lớn các hộ dân đều đang phải ở trong những căn nhà cất dựng tạm bợ; nhiều hộ phải đi ở nhờ. Oái ăm hơn khi tại đây những nhu cầu tối thiểu phải có như điện, nước đều không có, người dân phải đi đấu nhờ, đấu tạm. Hạ tầng mặt bằng gần như không có gì.

Tuy nhiên, những hộ tái định cư được ưu tiên bàn giao đất trước như hộ ông Hưng, ông Nguyên còn may mắn vì có đất để cất dựng căn nhà nhỏ, bày vài ba bộ bàn ghế bán bát bún, bán phở. Đối với những hộ khác dù đã nộp tiền mua đất nhưng chưa được bàn giao đất thì đang phải từng ngày đi ở nhờ, ở trọ. Đơn cử, trường hợp gia đình bà Đỗ Thị Thúy (ở xã Quảng Thọ, TP Sầm Sơn). Bà Thúy đã nộp tiền cho UBND xã Quảng Châu (trước thuộc UBND huyện Quảng Xương, nay là phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) để mua đất tại mặt bằng tái định cư Nam sông Mã. Xét nhu cầu thực tế, bà Thúy đã đăng ký mua 2 lô liền kề (mỗi lô 150 triệu đồng) và nộp 300 triệu đồng cho UBND xã Quảng Châu có phiếu thu. Nhưng suốt từ đó đến nay, gia đình bà Thúy vẫn chưa được bàn giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không có.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Mặt bằng thi công dang dở không điện, không nước... Ảnh: Ngọc Hưng

Trước những phản ánh của người dân, chúng tôi đã liên hệ và làm việc với ông Nguyễn Hữu Quyền - Bí thư Đảng ủy phường Quảng Châu. Ông Quyền cho biêt: “Khi dự án Đại lộ Nam sông Mã triển khai qua địa bàn xã. Toàn xã có khoảng 40 hộ bị ảnh hưởng, phải tái định cư. Sau khi bố trí quỹ đất, ưu tiên cho các hộ bị ảnh hưởng được ưu tiên ra mặt bằng tái định cư số 38 trước. Đây là mặt bằng vừa phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, vừa đấu giá quyền sử dụng đất lấy nguồn đầu tư hạ tầng cơ sở mặt bằng.

Lý giải vì sao người dân đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền mua đất từ lâu mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Quyền khẳng định: “Trước hết phải khẳng định, đây là sai phạm của địa phương. Thời điểm bấy giờ, sau khi các hộ dân nộp tiền (75 triệu đồng/hộ) cho xã thì Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ là ông Nguyễn Huy Thành đã không nộp số tiền trên vào kho bạc để làm trích lục cho các hộ dân mà sử dụng số tiền đó để chi cho một số các công trình khác xã đang triển khai”.

Khi PV hỏi vì sao mặt bằng số 38 đến nay vẫn còn dang dở, không điện, không nước, cầu cống cũng không, ông Quyền thừa nhận mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất. Việc người dân phải đi xin đấu nhờ điện, xin nhờ nước và vẫn bị ngập mỗi mùa mưa là thực tế đang diễn ra tại mặt bằng số 38. “Nguồn vốn để đầu tư hạ tầng mặt bằng dự kiến lấy từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất và phần trăm từ nguồn tái định cư dân đóng góp tiền mua đất. Tuy nhiên, khi cân đối thì 2 khoản trên không đủ để đầu tư hạ tầng mặt bằng, trong khi nguồn thu tiền đất, Chủ tịch xã đã chi cho nhà thầu khác không lấy lại được, dẫn đến việc đầu tư hạ tầng mặt bằng còn dang dở”, ông Quyền chia sẻ.

Để cuộc sống người dân nơi đây sớm ổn định, rất mong cấp ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa vào cuộc để làm rõ những tồn tại, vướng mắc cũng như trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: giadinh.net.vn

  Từ khóa: 3 không , khu dân cư , TP Sầm Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok