Thế giới

Khác biệt trong chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Trump, Clinton

Hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump có thể sẽ dẫn dắt nước Mỹ đi theo hai con đường đối ngoại hoàn toàn đối lập nếu họ đắc cử tổng thống.

Sau khi nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/2017, bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump sẽ bước chân vào Nhà Trắng và dẫn dắt nước Mỹ với chính sách đối ngoại hoàn toàn khác nhau, theo Financial Times.

Chính sách xoay trục sang châu Á

Các chiến đấu cơ đỗ trên tàu sân bay USS George Washington khi một tàu Mỹ khác đi qua ở Biển Đông. Ảnh: Reuters


Theo bình luận viên Ko Hirano, trong bối cảnh môi trường an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương trở nên căng thẳng do sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, lời hứa ủng hộ các đồng minh của bà Clinton cho thấy một lập trường trái ngược hoàn toàn với quan điểm của ông Trump rằng đồng minh của Mỹ phải có trách nhiệm hơn là lợi dụng nước này.

Ông Trump từng cảnh báo các đồng minh như Nhật, Hàn Quốc, Đức, và Arab Saudi phải đóng góp nhiều hơn cho chi phí triển khai lực lượng quân đội Mỹ hay các biện pháp phòng thủ khác ở những nước này.

Ứng viên đảng Cộng hòa thậm chí từng đưa ra nhận xét gây tranh cãi khi khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút binh sĩ khỏi những nước này.

Nếu ông Trump làm đúng những gì tuyên bố khi đắc cử thì Mỹ sẽ thực hiện chính sách đối ngoại xa lánh đồng minh, tự cô lập bản thân và tạo ra lỗ hổng quyền lực lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh quyền lực trong khu vực.

Ngược lại, cựu ngoại trưởng Clinton, người luôn muốn thúc đẩy chiến lược tái cân bằng ở châu Á để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, lại nhấn mạnh cam kết rằng Mỹ sẽ duy trì mối quan hệ gắn bó với các đồng minh của mình.

"Tôi muốn trấn an các đồng minh Nhật, Hàn Quốc và nhiều nước khác rằng chúng tôi vẫn duy trì các hiệp ước phòng thủ chung và sẽ tôn trọng chúng", bà Clinton khẳng định.

Vấn đề Trung Đông

Theo bình luận viên Robert Zoellic, bà Clinton sẽ tìm cách hàn gắn quan hệ với Israel bằng cách tập trung vào mối đe dọa từ Iran, Hezbollah và chế độ của Tổng thống Bashar al- Assad ở Syria.

Ứng viên đảng Dân chủ cũng sẽ tìm cách bảo vệ thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Obama đã ký với Iran, bằng việc phối hợp với Israel và các nước Arab gây áp lực buộc Iran tôn trọng thỏa thuận này.

Trong khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân được ký kết với Iran, có thể sẽ đẩy khu vực Trung Đông tới nguy cơ khủng hoảng.

Cả bà Clinton và ông Trump đều tuyên bố cứng rắn với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng lại chưa xác định rõ được những gì có thể làm ở Syria nếu đắc cử. Hai ứng viên chưa vạch ra được kế hoạch cụ thể nhằm thiết lập sự cân bằng chiến lược làm nền tảng giải quyết cuộc khủng hoảng lớn nhất tại khu vực này.

Vấn đề Triều Tiên

Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên. Ảnh: AFP


Theo chuyên gia Daniel R. DePetris thuộc công ty tư vấn địa chính trị Wikistrat, trong suốt chiến dịch tranh cử, cả hai ứng cử viên mới chỉ đề cập đến biện pháp cũ để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Cả hai đều cam kết bổ sung nhiều biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng, gây áp lực để Trung Quốc hợp tác trong việc áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên và tiếp tục củng cố liên minh quân sự Mỹ - Hàn để răn đe Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, cựu ngoại trưởng Mỹ từng nói bóng gió rằng bà có thể mở rộng lệnh trừng phạt Triều Tiên nếu đắc cử, trừng phạt các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, các cá nhân Trung Quốc giao dịch với các tổ chức hoặc công ty liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Ông Trump có thể sẽ theo đuổi các biện pháp mềm mỏng hơn, bởi tỷ phú bất động sản từng đề cập đến khả năng đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hoặc tác động để Trung Quốc can thiệp.

Quan hệ với châu Âu

Nếu đắc cử, nhiều khả năng bà Clinton sẽ thực hiện chính sách "vấn đề của châu Âu sẽ do người châu Âu giải quyết", trong khi tiếp tục củng cố vai trò của Mỹ trong NATO để thể hiện thái độ cứng rắn với Nga.

Ngược lại, ông Trump luôn bộc lộ sự yêu thích và ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủng hộ các phong trào dân túy ở châu Âu. Ông trùm bất động sản không coi trọng những lợi ích mà nước Mỹ có được từ làn sóng đầu tư do hội nhập châu Âu cũng như an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Nếu ông Trump làm tổng thống Mỹ, những mâu thuẫn về thuế với châu Âu sẽ nảy sinh, thay vì các cuộc đàm phán để thúc đẩy Hiệp định Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TPP) với các tiêu chuẩn thương mại mới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok