Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Hà (SN 1990, quê Thanh Hóa) cho biết: “Nghề đánh giày kiếm tiền bằng sức lao động chân chính, nhưng trong mắt nhiều người, nghề này lại không mấy được tôn trọng.
Bởi trước đây, nói đến người đánh giày thường là nghĩ là trẻ em mồ côi, lang thang đường phố cùng những “chiến tích” mang tên “tệ nạn”. Song, hiện nay, người hành nghề đánh giày ở Hà Nội thường có nhiều độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Thậm chí có người được học nghề cơ khí, may mặc… đàng hoàng nhưng vẫn đi đánh giày thêm, vì thu nhập từ nghề này khá tốt nếu chăm chỉ. Đặc biệt là làm việc trên khu vực phố cổ…”.
Những thợ đánh giày lành nghề và chăm chỉ có thu nhập tương đối khá. |
Anh Hà cho biết, thời điểm hiện tại trên phố cổ có hơn 20 người đánh giày như anh.
“Đánh giày trên khu vực phố cổ thu nhập khá hơn so với các khu vực khác vì lượng khách du lịch nhiều. Một ngày nếu làm không ngơi tay, thợ lành nghề như chúng tôi có thể kiếm được từ 700 ngàn đồng trở lên. Vào những dịp cận Tết thu nhập còn cao hơn” - thợ đánh giầy sinh năm 1990 tiết lộ.
Theo lời anh Hà, mỗi tháng trung bình thợ đánh giầy trên phố cổ nếu lao động hết công suất, thì thu nhập được khoảng 20 triệu hoặc hơn. Trừ các khoản ăn uống, nhà trọ và chi phí sinh hoạt tối thiểu thì mỗi tháng thợ đánh giày cũng có tiền gửi về quê hỗ trợ gia đình.
Anh Hà cho biết thêm, tuy thu nhập tốt nhưng nhiều người hành nghề này vẫn phải giấu gia đình. Thậm chí có người từng bị vợ chưa cưới hủy hôn vì phát hiện người yêu làm nghề đánh giày. Trường hợp đồng nghiệp tên Nam - (SN 1989, quê Thanh Hóa) của anh là một điển hình.
Anh Hà kể, Nam từng học trung cấp nấu ăn. Ra trường, Nam xin vào một nhà hàng món Việt làm, thu nhập cũng đủ sống.
Thời gian này, Nam yêu một cô gái người Hưng Yên, đang làm nhân viên văn phòng ở Thanh Trì. Tết vừa rồi, hai gia đình đã gặp mặt nhau bàn chuyện hôn sự. Tuy nhiên, do một tai nạn trong quá trình làm việc, Nam bị chủ nhà hàng cho thôi việc.
Nam đi xin việc một số nơi nhưng mức lương bèo bọt, không đủ sống. Được người bạn cùng quê rủ đi đánh giày, có thu nhập khá, Nam dù không tin nhưng vẫn cố gắng đi làm.
Tháng đầu tiên, thu nhập ổn định, dư dả nên Nam lao đầu vào làm. Ban ngày đi đánh giày, ban đêm chạy xe ôm. Anh hi vọng cuối năm sẽ gom đủ tiền lấy vợ và tích lũy một khoản kinh doanh buôn bán.
“Tất nhiên, anh Nam vẫn giấu người yêu việc mình đi đánh giày mà nói dối đã xin vào làm bếp cho một nhà hàng lớn” - anh Hà kể.
Suốt thời gian đó, Nam đi làm nhưng luôn nơm nớp lo sợ bạn gái phát hiện ra bí mật của mình.
Lần đó, sinh nhật người yêu, Nam lấy số tiền dành dụm mấy tháng trời, tằn tiện chi tiêu, ăn uống kham khổ, mua tặng bạn gái chiếc túi hàng hiệu đắt tiền mà cô thích. Chiếc túi này có giá hơn 20 triệu.
Mặc dù, bạn bè khuyên nên tiết kiệm, chi tiêu hợp lý nhưng Nam bỏ ngoài tai, vẫn quyết định mua tặng vợ tương lai.
Khi nhận được món quà, cô gái vô cùng hạnh phúc, khoe với bạn bè về chàng “soái ca” và món quà cô nhận được.
Nhưng một lần, người yêu Nam lên phố cổ chơi cùng bạn bè, đi qua khu vực hàng Bông, cô bắt gặp người yêu mồ hôi nhễ nhại đang đánh giày, bên cạnh là hòm đồ nghề.
Cô gái tức giận đến trước mặt anh, lặng người nhìn người yêu rồi bỏ đi. Sau đó, dù Nam tìm mọi cách để gặp gỡ người yêu nhằm giải thích nhưng cô ta một mực từ chối. Ngoài ra, cô ta còn cắt đứt liên lạc, chặn số điện thoại của Nam và không quên để lại tin nhắn: “Lấy ai thì lấy chứ không chấp nhận lấy anh đánh giày làm chồng”.
“Sau lần đó, Nam chán chường, hụt hẫng, đau khổ bỏ về quê. Tôi động viên mãi anh ấy mới đi làm lại được vài hôm”, anh Hà nói.
Anh Hà đang ngồi sửa giày cho khách trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Nhật Linh |
Anh Hà cũng chia sẻ, câu chuyện của Nam chỉ là số ít, bởi còn có nhiều đôi nên duyên vợ chồng nhờ nghề đánh giày.
Đó là câu chuyện của một cặp vợ chồng Nguyễn Thị Mỹ (SN 1993) và Đỗ Văn Định (SN 1990), cả hai đều ở Thái Bình.
“Họ gặp nhau khi Mỹ mới chân ướt chân ráo ở quê ra Hà Nội làm thuê, còn Định làm đánh giày.
Số phận run rủi, Mỹ đến xóm trọ của Định thuê phòng, hai người nảy sinh tình cảm nhưng e ngại không dám nói. Đến khi cửa hàng Mỹ làm đóng cửa, Mỹ thất nghiệp chưa biết làm gì thì Định rủ đi đánh giày”, anh Hà nói.
Vẫn theo lời anh Hà, được Định giúp đỡ, Mỹ nhanh chóng học nghề đánh giày thành thục. Hằng ngày, dù nắng hay mưa, hai người đều đi làm cùng nhau, đỡ đần nhau trong công việc. Rồi một ngày, Định quyết định ngỏ lời với cô gái mình yêu. Hai người yêu nhau được 3 tháng thì đi đến hôn nhân.
“Đến giờ họ sinh được hai cô con gái. Bằng số vốn tiết kiệm được khi đi đánh giày, hai vợ chồng thuê nhà dưới Mỹ Đình, mở tiệm sửa giày, bán đồ ăn sáng và chạy xe ôm nên thu nhập cũng ổn định, có thời gian chăm sóc gia đình nhỏ. Nói chung cũng đỡ vất vả hơn trước” - anh Hà chia sẻ.
Tác giả: Nhật Linh - Thanh Hải
Nguồn tin: Báo VietNamNet