Trong tỉnh

Huyện Thường Xuân – một năm vượt khó

Năm 2017, vượt qua những khó khăn của trận lũ lịch sử diễn ra vào trung tuần tháng 10, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân đã gặt hái được những thành công mới trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Đồng chí Đỗ Xuân Nam, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thường Xuân thăm mô hình trồng ớt tại xã Luận Thành.

Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù trận đại “hồng thủy” đã cuốn trôi và làm hư hại hàng trăm ha cây trồng, vật nuôi của người nông dân nhưng với tinh thần vượt khó, sau khi lũ đi qua, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thường Xuân đã tập trung “sức người, sức của” kịp thời hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng khôi phục lại sản xuất. Kết quả, vụ đông 2017 – 2018, toàn huyện đã gieo trồng được gần 610 ha. Đáng nói hơn, huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất kém hiệu quả, với tổng diện tích 185,5 ha. Nhiều loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: Ngô dày, ớt xuất khẩu, khoai tây và rau màu được đưa vào sản xuất theo hình thức liên kết và bao tiêu sản phẩm giữa người nông dân với doanh nghiệp.

Thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhiều xã trong huyện giải quyết được bài toán về nâng cao hiệu quả trên từng đơn vị diện tích đất canh tác và mang lại thu nhập cho hàng trăm hộ dân, với giá trị kinh tế gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Diện tích cây lúa gieo trồng cả năm của huyện đạt hơn 5.441 ha, năng suất bình quân khoảng 50 tạ/ha; cây ngô gieo trồng được 1.208 ha, năng suất bình quân 51,3 tạ/ha. Bên cạnh đó, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về đất lâm nghiệp, huyện tập trung triển khai hiệu quả chương trình trồng rừng gắn với phát triển rừng gỗ lớn. Toàn huyện đã trồng được 1.581 ha rừng tập trung, 440.000 cây phân tán và phục tráng 380 ha rừng luồng tại các xã Xuân Cao, Luận Thành, Tân Thành.

Nếu những kết quả trong sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập trực tiếp cho người nông dân, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, thì các công trình cơ sở hạ tầng lại tô điểm cho diện mạo nông thôn mới ở vùng đất “Quế ngọc Châu Thường”, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ngoài Công trình Thủy lợi, Thủy điện Cửa Đạt gắn với Khu di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Cầm Bá Thước, thì hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ở các xã vùng sâu, vùng xa như: Yên Nhân, Bát Mọt và khu vực “5 Xuân” cơ bản được đầu tư xây dựng đồng bộ trong nhiều năm qua. Năm 2017, thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Trái phiếu Chính phủ, Nghị quyết 30a, ngân sách tỉnh và huyện... trên địa bàn huyện có 105 dự án, công trình xây dựng cơ bản đang được triển khai thi công, với tổng mức đầu tư 438,5 tỷ đồng. Hiện đã có 25 công trình đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, góp phần giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, thông thương kinh tế, nâng cao đời sống dân sinh.

Bức tranh kinh tế của huyện Thường Xuân còn được ghi nhận ở lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Toàn huyện có 1.160 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp và 7 làng nghề truyền thống với giá trị ước đạt 277,34 tỷ đồng; thu hút, giải quyết việc làm cho khoảng 2.353 lao động địa phương. Trong năm, trên địa bàn huyện có 26 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp lên 104. Đặc biệt, tại Cụm công nghiệp thị trấn Thường Xuân đã có 2 doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với số vốn đăng ký 186 tỷ đồng. Trong khi đó, thương mại, dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô, loại hình, chất lượng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 210 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội của huyện tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm. Trong đó, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” tiếp tục được nhân rộng, nhiều bản, làng đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ngoài ra, huyện tiếp tục hoàn thiện và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Thường Xuân”. Trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên đáng kể. Đơn cử, tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, tỷ lệ trúng tuyển đạt 82,3%. Toàn huyện có 20 trường học các cấp được công nhận hoàn thành tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và có 25 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 43,32%. Với đặc thù là huyện miền núi nghèo, nên công tác dân tộc luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm. Trong năm, huyện đã chỉ đạo thực hiện kịp thời các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: Hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ sản xuất, nông cụ sản xuất... thuộc Nghị quyết 30a, Chương trình 135. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện luôn dành sự quan tâm đến các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, bằng những hoạt động thăm hỏi, tặng quà... Nhờ vậy, đời sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện tiếp tục được nâng lên.

Cùng với cả tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thường Xuân đã và đang triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) một cách sâu rộng. Song song với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, huyện tiếp tục lồng ghép và huy động các nguồn lực của xã hội cho XDNTM. Trong năm 2017, toàn huyện đã huy động được 171,3 tỷ đồng để thực hiện XDNTM ở các xã. Với sự chung sức của người dân, trên địa bàn huyện hiện có 2 xã Ngọc Phụng, Xuân Dương cán đích NTM và 10 thôn hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thôn, bản NTM. Hiện huyện đang phối hợp với Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh triển khai xây dựng mô hình thí điểm thôn NTM kiểu mẫu tại thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng.

Bên cạnh kết quả về kinh tế - xã hội, tình hình chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, nhất là tuyến biên giới được giữ vững. Có được kết quả trên là nhờ huyện thường xuyên duy trì quân số trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm thông tin liên lạc, kế hoạch công tác bảo vệ biên giới; triển khai lực lượng trinh sát bám nắm địa bàn nội và ngoại biên.

Đối với công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy đảng trong huyện thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới của quê hương.

Mùa xuân mới lại về trên vùng đất “Quế ngọc Châu Thường” và mang theo những hy vọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân thực hiện thắng lợi Nghị quyết XVIII của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết XIX của Đảng bộ huyện.

Tác giả: Trần Thanh

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok