Kinh tế

Huyện Nông Cống đẩy mạnh công tác đào tạo nghề

Xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động có vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, huyện Nông Cống đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Thọ (Nông Cống) đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Tham dự một buổi học của lớp dạy nghề sơ cấp sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi được mở tại thôn 3, xã Công Bình, ông Nguyễn Mạnh Đức, một học viên, cho biết: Từ trước đến nay gia đình chăn nuôi lợn chỉ theo kinh nghiệm, cũng đã từng xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại. Hiện gia đình nuôi 1 con lợn nái và 10 con lợn thịt. Tham gia lớp học, bản thân nắm được những biểu hiện bệnh thường xuất hiện ở gia súc, gia cầm và cách sử dụng thuốc; tiêm thuốc đúng liều, đúng cách. Kiến thức thu được từ lớp dạy nghề này không chỉ phục vụ cho gia đình mà khi bà con hàng xóm có nhu cầu có thể giúp đỡ, cùng nhau phát triển kinh tế để ngày càng ổn định cuộc sống.

Với mục tiêu tạo điều kiện cho lao động nông thôn trên địa bàn có kiến thức kỹ thuật để tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nên hằng năm huyện đều có văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký nhu cầu học nghề của người dân, trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch đào tạo và tập trung vào hai lĩnh vực chính là nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hiện, huyện Nông Cống có khoảng 126.000 người trong độ tuổi lao động, số lao động qua đào tạo chiếm 61%. Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt 94,14%, bình quân mỗi năm huyện tạo việc làm mới cho 3.000 lao động.

“Cầm tay chỉ việc” là cách làm chủ yếu trong công tác dạy nghề trong nhiều năm qua được huyện Nông Cống triển khai thực hiện có hiệu quả. 8 tháng đầu năm 2018, huyện Nông Cống đã giải quyết việc làm mới cho 1.690 lao động. Ngoài ra, huyện còn mở hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật tại các xã trên địa bàn thu hút đông đảo người dân tham gia. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả.

Đồng chí Lê Đình Bốn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nông Cống, cho biết: Ở các lớp dạy nghề, thời gian dành để hướng dẫn học viên thực hành chiếm tới 2/3. Học viên được trực tiếp thực hành những kiến thức đã học, có sự hướng dẫn của giảng viên. Trong quá trình thực hành có gì không hiểu, làm chưa đúng cách học viên chủ động trao đổi với giảng viên để được hướng dẫn, điều chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời. Năm 2018, huyện Nông Cống phấn đấu dạy nghề cho 3.200 lao động nông thôn, trong đó nghề phi nông nghiệp 2.500 người và nghề nông nghiệp 700 người.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của huyện Nông Cống vẫn còn một số khó khăn, như: Phần lớn là lao động phổ thông, thiếu lao động có trình độ tay nghề cao, do vậy, công việc không ổn định. Nhận thức của người dân về học nghề còn hạn chế, chưa đầu tư thời gian để học nghề mà chỉ muốn đi làm có thu nhập ngay. Số lao động đi xuất khẩu ít và tay nghề của người lao động chưa đáp ứng được với những tiêu chí của các nước. Trên địa bàn huyện việc phát triển ngành nghề công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm, chưa đa dạng.

Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, huyện Nông Cống đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thường xuyên tuyên truyền về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa và hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo.

Tác giả: Lương Khánh

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok