Trong tỉnh

Huyện Nông Cống (Thanh Hóa): Dân nghèo mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ lúa ngập úng

Người dân thôn Đông Cao (xã Trung Chính, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) không khỏi bức xúc trước việc 57ha lúa của mình mất trắng do sông Nhơm bị chặn dòng. Sau nhiều thương thuyết trong việc chi trả, đến nay người dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù như thỏa thuận.

Cánh đồng thôn Đông Cao bị ngập nước. Ảnh: Ngọc hưng

Khó khăn chồng chất

Nét mặt buồn bã, ông Nguyễn Xuân Phương - Bí thư Chi bộ thôn Đông Cao cho biết: “Sau khi cánh đồng lúa thôn Đông Cao bị nước sông Nhơm nhấn chìm do dòng sông này bị chặn dòng thi công các công trình khác thì cơ quan chức năng cùng với nhà thầu thi công, công ty bảo hiểm đã về đánh giá tình hình thiệt hại, chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng cho 57ha lúa của hơn 140 hộ dân ở thôn Đông Cao. Nhà thầu cũng mời chuyên gia nông nghiệp về lấy mẫu lúa ở 3 thửa ruộng với 3 loại lúa khác nhau trên 1m2 diện tích để tính toán sản lượng. Người dân chúng tôi thấy cách làm của các chuyên gia nông nghiệp rất khoa học, khách quan, có sự chứng kiến của nhà thầu, chính quyền và người dân nên bà con Đông Cao hoàn toàn thống nhất về kết quả. Sau khi tính toán thì cho kết quả 468kg/ sào Trung Bộ”.

Việc chưa nhận tiền hỗ trợ đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống của người dân trong thôn. Ông Đinh Quốc Thế - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn cho biết, cả năm nhân dân làng Đông Cao chỉ sản xuất được một vụ lúa, bao trang trải trong cuộc sống chỉ nhìn vào mấy sào ruộng nhưng bây giờ lúa bị ngập nước coi như mất trắng. “Tiền giống má, phân bón, thuốc trừ sâu mua của công ty phân bón hoặc các hộ kinh doanh trong vùng đều đang để nợ. Giờ nhiều hộ dân muốn sản xuất thêm vụ này nhưng vì chưa có tiền đầu tư cho nông nghiệp, trả nợ cũ nên cũng ái ngại”, ông Thế chia sẻ.

Hiện nhiều hộ dân thôn Đông Cao cũng không biết xoay xở như thế nào khi tiền đầu tư cho nông nghiệp, tiền đóng thuế sản, tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con cháu ăn học đang nhìn cả vào những đồng tiền hỗ trợ. “Người dân không muốn phải trông chờ vào đồng tiền hỗ trợ từ những mất mát vừa qua. Cứ như những năm trước, lúa chúng tôi thu hoạch chỉ cần phơi một nắng đã có người đến mua, nhiều gia đình bán gần hết, chỉ để lại đủ ăn, chăn nuôi. Bán được lúa, người dân sẽ đi đóng thuế sản cho nhà nước, trả tiền nợ lúa giống, phân bón từ vụ trước, rồi người người lo đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập. Nhưng năm nay, nợ đang chồng chất nên người dân tâm trạng bồn chồn, lo lắng, không thể làm việc gì. Tới đây, nếu cứ cái đà này, các con cháu sẽ không có tiền đóng học phí để mà đi học”, bà Đinh Thị Bé (người dân thôn Đông Cao) nói.

Ông Đinh Văn Tân - Trưởng thôn Đông Cao cho biết: “Năm nay việc thu thuế sản của thôn chưa triển khai mặc dù thôn đã họp và thống nhất những khoản thu, ban lãnh đạo thôn cũng đã lập phiếu thu cho từng hộ gia đình nhưng thấy bà con không bán được lúa vì lúa bị đen, mống, tiền hỗ trợ lúa ngập úng người dân cũng chưa biết khi nào mới được nhận nên Ban lãnh đạo thôn chưa dám phát phiếu thu đến các hộ. Việc này đã làm ảnh đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thu thuế sản của xã, huyện”

Phía công ty mới hỗ trợ một nửa

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chính cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, đơn vị thi công đã mời công ty bảo hiểm, chuyên gia nông nghiệp về tận nơi để kiểm tra, xác minh. Các chuyên gia nông nghiệp lấy mẫu lúa bất kỳ và tính toán sản lượng lúa bình quân ở cánh đồng Đông Cao đạt 468kg/sào Trung Bộ. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu đơn vị thi công hỗ trợ thiệt hại cho bà con theo mức 70% đối với diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên, mức 35% đối với diện tích bị thiệt hại từ 30% đến dưới 70%. Theo đó, tổng mức hỗ trợ bù đắp thiệt hại thiệt hại cho người dân thôn Đông Cao là 2,4 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến việc nhà thầu chưa chi trả tiền hỗ trợ cho bà con được cho là bởi, sau khi tính toán, sản lượng lúa ở Đông Cao cao hơn bình quân chung nên dẫn đến nhà thầu chưa đồng ý hỗ trợ. Nhưng theo ông Hưng, mỗi năm bà con Đông Cao chỉ sản xuất một vụ lúa, việc cày ải đất, đầu tư về giống má, phân lân đã góp phần tăng sản lượng lúa trên cùng một diện tích. “Hy vọng, chính quyền đốc thúc công ty nhanh chóng chi trả hết tiền cho bà con để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Hưng nói.

Mới đây, ngày 4/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 7655/UBND-NN chỉ đạo về việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân tại xã Trung Chính (huyện Nông Cống). Theo đó, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GTVT, UBND huyện Nông Cống và Công ty TNHH BT Thọ Xuân Nghi Sơn thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo kết luận số 104/TB-UBND ngày 6/6/2017. Khẩn trương tiến hành hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại, đảm bảo ý nghĩa, mục tiêu của việc hỗ trợ.

Ông Lê Trọng Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: “Theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì đến ngày 20/6 là phải trả tiền cho dân, nhưng do Công ty TNHH BT Thọ Xuân Nghi Sơn phải làm việc với công ty bảo hiểm nên họ ra văn bản báo cáo với tỉnh xin khất đến ngày 30/6. Đến ngày 30/6, họ lại có văn bản với tỉnh xem xét lại mức đền bù, hỗ trợ. Ngày 5/7, phía công ty đã tạm chuyển cho huyện 1,2 tỷ trên tổng số 2,4 tỷ đồng. Sớm nhất trong tuần này huyện sẽ trả cho người dân”.

Trước đó, Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, trận mưa lớn kéo dài vào rạng sáng 25/5 đã khiến nước sông Nhơm dâng cao và gây ngập úng 57ha lúa đang đến kỳ thu hoạch của bà con thôn Đông Cao. Đánh giá về nguyên nhân của sự việc trên là do sông Nhơm bị chặn thành nhiều đoạn để một số đơn vị thực hiện dự án đường Nghi Sơn - Sao Vàng. Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Nông Cống đã chỉ đạo xã Trung Chính phối hợp với các ngành chức năng rà soát, thống kê diện tích, mức độ thiệt hại, hướng dẫn nông dân thu hoạch phần diện tích lúa chưa bị hư hỏng; báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân.

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok