Trong tỉnh

Hơn 14.000 hộ gia đình dân tộc thiểu số ở Thanh Hoá thiếu đất sản xuất

Theo kết quả rà soát của tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 14.000 hộ gia đình thiếu đất sản xuất và gần 6.000 hộ thiếu đất ở.

Vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với 11 huyện miền núi và 4 huyện có xã miền núi của tỉnh tiến hành rà soát các hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất.

Hơn 14.000 hộ gia đình ở Thanh Hoá thiếu đất sản xuất. Ảnh minh hoạ

Cuộc rà soát của tỉnh Thanh Hóa nhằm đánh giá, xác định tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ dân tộc Kinh sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn để có cơ sở cho việc triển khai cấp đất theo quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025.

Kết quả rà soát có 14.503 hộ gia đình chưa có đất sản xuất hoặc có đất sản xuất nhưng diện tích dưới 50% theo định mức. Các hộ gia đình thiếu đất chủ yếu ở các huyện miền núi: Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Mường Lát…

Về đất ở, hiện có 5.970 hộ gia đình thiếu đất thuộc trường hợp được hỗ trợ cấp đất ở theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các hộ gia đình thiếu đất ở cũng chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Mường Lát…

Theo quy định tại Quyết định 1719/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở, và khả năng ngân sách để xem xét quyết định giao đất để làm nhà ở cho các đối tượng phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương và luật Đất đai.

Bà con dân tộc Mông ở bản Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát thu hoạch lúa. Ảnh: TTXVN

Trong đó, đối với nơi có điều kiện về đất đai thì chính quyền địa phương sử dụng tiền ngân sách để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho người dân; đối với nơi không còn quỹ đất để bố trí thì địa phương bỏ kinh phí hỗ trợ để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.

Đối với địa phương còn đất sản xuất thì chính quyền địa phương thực hiện giao đất cho người dân nếu có nhu cầu; trường hợp địa phương không còn đất sản xuất để giao cho người dân, hoặc hộ dân thiếu đất sản xuất thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Cuộc rà soát của tỉnh Thanh Hóa nhằm đánh giá, xác định tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: TL

Tuy nhiên, kết quả rà soát cũng cho thấy, dù số hộ thiếu đất sản xuất còn rất lớn nhưng tại 11 huyện miền núi và 4 huyện có xã miền núi thì có tới 8 huyện (gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Triệu Sơn và Hà Trung) không còn đất sản xuất nông nghiệp để bố trí, cấp đất cho người dân.

Tác giả: Thế Vũ

Nguồn tin: congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok