Trong tỉnh

Nghịch lý ở Thanh Hóa: Dân thiếu đất sản xuất, nông lâm trường "ôm đất"

Bí thư Huyện ủy Thạch Thành chỉ rõ nghịch lý, người dân thiếu đất sản xuất, trong khi các nông lâm trường “ôm đất” thì không có năng lực sản xuất.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 20.000 hộ dân đang thiếu đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, có một nghịch lý là hàng chục nghìn héc ta đất đang được giao cho các công ty, nông lâm trường, nhưng những đơn vị này không đủ năng lực sản xuất lại đem ra cho người dân thuê.

Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân

Nằm lọt thỏm dưới những cánh rừng, gia đình chị Cầm Thị Huệ, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân không có một tài sản gì đáng giá. Đã 15 năm ra ở riêng, bước chân ra khỏi nhà là đất rừng, nhưng gia đình chị cũng không có một tấc đất sản xuất. Nhà 6 miệng ăn, đất sản xuất không có nên chưa bao giờ chị nghĩ mình có thể thoát khỏi đói nghèo.

"Khi ra ở riêng 2004 nhưng mà ông bà nội cũng không có chi cho, nhận đất thì chờ chia họ cho người khác, mình chẳng có mảnh đất mô", chị Huệ nói.

Tại Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực miền núi, trường hợp thiếu đất sản xuất như chị Huệ không phải là ít. Theo số liệu thống kê đến tháng 7/2017, toàn tỉnh Thanh Hóa có 20.914 hộ dân các huyện miền núi thiếu đất sản xuất, tương đương khoảng 39.065 ha. Các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, có tình trạng người dân thiếu đất sản xuất nhưng 2 năm qua tỉnh chưa có phương án để giải quyết.

Bức xúc trước thực trạng này, bà Bùi Thị Mười, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành chỉ rõ nghịch lý, người dân thiếu đất sản xuất, trong khi các nông lâm trường “ôm đất” thì không có năng lực sản xuất: "Đất do các công ty doanh nghiệp quản lý trên địa bàn tỉnh lớn, và các công ty này thì có nhiều diện tích không trực tiếp sản xuất đều khoán, nhưng người dân các địa phương thì không có đất ở và thiếu đất sản xuất."

Thực tế tại địa phương cho thấy công tác quản lý và sử dụng đất đai của các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ chưa khai thác được tiềm năng đất đai, lao động gắn sản xuất với chế biến, chủ yếu bán sản phẩm nguyên liệu cho chế biến. Trong khi đó người dân thì lại không có đất, phải thuê khoán.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, phải đưa doanh nghiệp vào để họ tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến để tiến tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.
"Chúng ta khẳng định là tái cơ cấu nông nghiệp là phải có doanh nghiệp đầu tư vào, phải đầu tư vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến, còn đất đai thì cũng là nhân dân làm cả. Báo cáo các đồng chí là giải thế doanh nghiệp phải theo quy định của pháp luật chứ có phải nói là giải thể doanh nghiệp để giao cho huyện được đâu", ông Quyền nói.

Thanh Hóa hiện có 59 nông – lâm – trường, công ty trách nhiệm hữu hạn và Ban quản lý rừng phòng hộ với tổng diện tích là 316. 129 ha. Đây là một diện tích rất lớn, gần bằng toàn bộ diện tích đất rừng của toàn tỉnh. Vấn đề quản lý sử dụng đất, nhiều đơn vị liên doanh liên kết với các tập đoàn kinh tế nên phát huy hiệu quả tốt, còn phần đa quản lý hiệu quả chưa cao, để lại nhiều bức xúc cho nhân dân./.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok