Vi phạm từ nông thôn đến thành thị
Ngày 26/8/2015, gia đình ông Nguyễn Văn Minh – bà Phạm Thị Đức được cấp GCN QSDĐ (Nhà nước giao đất có thu tiền) với tổng diện tích 955m2, trong đó có 310m2 đất ở, diện tích còn lại là đất trồng cây lâu năm. Lô đất nằm tại khu phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh).
Công trình vi phạm của gia đình ông Nguyễn Văn Minh. Ảnh: VD. |
Người dân thị trấn Lang Chánh cho hay, một phần lớn trong tổng diện tích đất được Nhà nước giao cho ông Minh trước đây là đất trồng lúa. Nhưng không hiểu vì lý do gì, năm 2015 ông Minh được cấp GCN QSDĐ, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Sau khi được cấp đất ông Minh đã đắp nền lên cao, xây dựng nhà ở và các khu xưởng sản xuất. Điều đáng nói, ông Minh còn lấn chiếm một phần con suối bên cạnh.
Ông Nguyễn Viết Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Lang Chánh không trả lời được việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình ông Minh có tuân thủ các quy định pháp luật và quy hoạch sử dụng đất của địa phương hay không.
Tương tự, người dân thôn Cẩm Vân, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa phản ánh, một công trình trái phép quy mô lớn đã gần hoàn thiện trên đất nông nghiệp tại vùng Đồng Nẩn.
Đây là diện tích đất nông nghiệp (trồng lúa) do anh em ông Trịnh Đức Hường mua của người dân, quây rào và bắt đầu xây dựng từ năm 2019. Trên diện tích đất này, ông Hường đã xây dựng trang trại gồm hệ thống đường nhựa, ao lớn, cầu đi bộ và nhà ở, kè xây quanh cùng rất nhiều loại cây cảnh có giá trị, xung quanh quây kín tường cao và lưới B40.
Ông Trịnh Đức Hường xây dựng trang trại trái phép trên đất nông nghiệp tựa như một công viên sinh thái. Ảnh: VD. |
Người vi phạm không chấp hành, chính quyền chịu bó tay?
Theo ông Trịnh Đức Hường, sau khi gom được đất, do cánh đồng này trũng sâu, không trồng lúa được nên gia đình ông này tự ý chuyển sang làm trang trại kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Công trình xây dựng trái phép tại thôn 1, Thiên Trường, xã Thọ Lập (huyện Thọ Xuân). Ảnh: VD. |
Để thực hiện được mục đích của mình, ông Hường đã đắp bờ, làm các lối đi lại trong khuôn viên, xây các công trình trên đất.
Ông Lê Tiến Bình, Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ lý giải, UBND xã chỉ có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính mức 5 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ công trình. Ông Bình cũng cho hay, trước sai phạm của ông Trịnh Đức Hường, UBND xã Thiệu Vũ đã nhiều lần lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng bản thân ông Hường không chấp hành
Theo đó, ngày 31/1/2020, Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ thông báo yêu cầu ông Hường dừng thi công các hạng mục của công trình. Ngày 17/2/2020, UBND xã Thiệu Vũ tiếp tục thông báo và nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm Luật Đất đai 2013. Tới ngày 12/3/2020, UBND xã Thiệu Vũ tiếp tục thông báo lần 3 thì ông Trịnh Đức Hường mới cam kết tháo dỡ. Ngày 15/3/2021, UBND xã Thiệu Vũ ra quyết định xử phạt ông Trịnh Đức Hường số tiền 5 triệu đồng vì hành vi tự ý chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp khi chưa được các cơ quan thẩm quyền cho phép, vi phạm điều 57 của Luật Đất đai 2013.
Tuy nhiên, hơn 1 năm sau, gia đình ông Trịnh Đức Hường vẫn không chấp hành mà còn xây dựng thêm các hạng mục công trình của mình như nhà, đường, cầu, kè, ao...
Khu vực hộ ông Trịnh Đức Hường sử dụng có diện tích khoảng hơn 1ha. Nguồn gốc đất toàn bộ diện tích trên là đất trồng lúa, gia đình ông Trịnh Đức Hường mua gom, quây rào lại và bắt đầu xây dựng liên tục từ năm 2019 tới nay.
Trên diện tích đất này có xây dựng nhà bán kiên cố mái tôn, quây phía ngoài bằng tôn, phía trong bằng tấm phọoc, nền lát gạch, nhà nổi bằng sắt và tôn trên khu nuôi trồng thủy sản; cầu bằng bê tông ra khu nhà nổi; một số lối đi lại được thảm nhựa. Diện tích còn lại đang trồng ngô, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm.
Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tràn lan, tồn tại trong một thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: VD. |
Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, đến nay địa phương này còn 11.374 vụ vi phạm trật tự xây dựng (xây nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, trang trại…) trên 154,5ha đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Ảnh: VD. |
Ngày 12/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn giao UBND cấp huyện kiểm tra, lập hồ sơ xử lý và giải quyết dứt điểm từng trường hợp.
Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không thuộc đất của các công ty nông - lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý thì lập hồ sơ xử lý dứt điểm và xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 1.751 trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2004 và 4.929 trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tạm thời được sử dụng đất nguyên hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Đối với 3.080 trường hợp đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND cấp huyện rà soát thời hiệu của từng trường hợp vi phạm, làm cơ sở lập hồ sơ xử lý nghiêm. Trường hợp hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm.
Liệu tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại Thanh Hóa có được xử lý dứt điểm. Ảnh: VD. |
Đối với 94 trường hợp tổ chức vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không thuộc phạm vi của các công ty lâm nghiệp; các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý thì UBND các huyện được yêu cầu thành lập tổ công tác để xử lý dứt điểm, từng trường hợp cụ thể. |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng xử lý không nghiêm và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2021.
Tác giả: Võ Văn Dũng
Nguồn tin: nongnghiep.vn