Trong 3 năm vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm tuyệt đối việc tổ chức thi, kiểm tra vào lớp 6 trung học cơ sở tại một số trường có số thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu đã khiến phụ huynh, học sinh tránh được áp lực học tập, thi cử. Tuy nhiên, từ năm học 2018-2019, các Trường trung học cơ sở chất lượng cao và trường ngoài công lập sẽ được phép tổ chức thi tuyển nếu số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu. Sự thay đổi này khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng và nhiều học sinh cuối cấp tiểu học đã phải tăng tốc luyện thi theo hình thức mới để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc xét tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2018-2019 có một số thay đổi so với năm trước. Cụ thể, ngoài các trường thực hiện theo nguyên tắc xét tuyển giống năm trước (khoảng 97% số trường trên toàn thành phố), sẽ có 7 trường tuyển sinh lớp 6 theo đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng trung học cơ sở Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Thay đổi trong việc tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2018-2019 khiến nhiều học sinh cuối cấp phải tăng tốc luyện thi. |
Thí sinh phải thực hiện 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực gồm: Tiếng Anh (viết và nghe); Bài kiểm tra môn Toán bằng tiếng Anh. Đối với các trường tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu (gồm trường chất lượng cao, trường ngoài công lập...) thực hiện phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, căn cứ vào điểm tuyển sinh để tuyển sinh. Muốn vào học các trường này, học sinh phải thực hiện 2 bài kiểm tra gồm: Bài tổ hợp Khoa học và Toán; bài tổ hợp Tiếng Việt, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lí. Hình thức kiểm tra là trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận.
Phương án thi mới này khiến nhiều phụ huynh có ý định đăng ký cho con vào các trường chất lượng cao, trường ngoài công lập... băn khoăn, lo lắng bởi phương án thi chỉ thông báo trước hơn 2 tháng diễn ra đợt tuyển sinh. Trong khi đó phương thức thi đánh giá năng lực và bài thi tổ hợp quá mới mẻ với các học sinh tiểu học.
Chị Nguyễn Thị Loan, ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm nói: "Nếu như quyết định này mà đưa ra sớm hơn thì các con chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hơn. Đối với các con sẽ rất là khó khăn trong việc lựa chọn trường, thứ 2 là các con thấy hình thức mới nên cảm thấy rất lo lắng, thậm chí các con bảo là mẹ ơi, tại sao các bạn con thi trường này, trường kia cho thi thử rồi tại sao con chưa được thi, rất là nhiều băn khoăn của các con. Bản thân tôi thì không lo về kiến thức của các con nhưng tôi lo ở đây là nó mới nên các con chưa được tiếp cận nhiều về hình thức thi".
Để đáp ứng nhu cầu thi vào lớp 6 trường chất lượng cao, trường ngoài công lập có chất lượng... của học sinh và phụ huynh, một số trường tiểu học đã chủ động xây dựng chương trình, tăng cường ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 5. Tại trường Tiểu học Lômônôxốp, qua khảo sát của giáo viên chủ nhiệm, một số lớp có tới 80% học sinh có nhu cầu thi vào các trường điểm của thành phố. Vì vậy 1 tuần 3 lần, giáo viên chủ nhiệm đã cho học sinh làm đề đánh giá năng lực theo dạng bài thi tổ hợp Khoa học và Toán; bài tổ hợp Tiếng Việt, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lí.
Em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 5A1 Trường Tiểu học Lômônôxốp cho biết: "Hàng tuần thì cô thường cho chúng em làm những đề có từ trắc nghiệm đến tự luận và mỗi tuần cô cho em làm từ 5-6 đề để em có thể đỡ bỡ ngỡ khi vào thi. Lúc ban đầu thì thấy hơi khó, nhưng lúc sau sau khi làm quen rồi thì em cũng thấy nó dễ dễ. Em cũng thấy tự tin để thi vào lớp 6. Trường em mong muốn vào là trường chuyên Hà Nội- Amsterdam".
Lý giải về việc cho học sinh làm đề đánh giá năng lực theo dạng bài thi tổ hợp, cô Phạm Thị Thiếp, giáo viên trường Tiểu học Lômônôxốp cho biết, tuy đánh giá năng lực khiến học sinh không thể học tủ nhưng vẫn cần luyện thi vì đây là phương thức thi mới đối với các em. Nếu không luyện tập ngay từ sớm, thì khi thi học sinh sẽ bỡ ngỡ, thiếu kỹ năng làm bài thi tổ hợp.
"3 năm trước thì Sở chỉ thi môn Toán, tiếng Việt, nhưng năm nay bắt đầu thi tổ hợp, đánh giá tổng hợp toàn diện các môn, vậy thì các em không thể chỉ học Toán, tiếng Việt mà còn ôn cả những bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Như vậy thì kiến thức sẽ toàn diện hơn nhưng chắc là phải dành thời gian nhiều hơn và cô giáo cũng phải đầu tư thời gian nhiều hơn về tất cả các môn này để các em nắm chắc được kiến thức của tất cả các phân môn thì mới có thể làm tốt được bài thi vào lớp 6.", cô Thiếp nói.
Ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, việc thi tuyển chỉ ảnh hưởng tới một tỷ lệ nhỏ học sinh có nhu cầu thi vào các trường top đầu, khoảng 3% số trường trong toàn thành phố. Mỗi trường lại có phương án kiểm tra, đánh giá năng lực riêng, tùy thuộc vào nhu cầu tuyển sinh của từng trường. Nếu không trúng tuyển vào các trường này, học sinh vẫn có thêm lựa chọn ở trường theo tuyến tuyển sinh.
Kỳ thi tuyển vào lớp 6 của các trường chất lượng cao, trường ngoài công lập ở Hà Nội đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 mới diễn ra. Khi đó cả giáo viên và học sinh các trường mới có câu trả lời về việc cần hay không cần phải ôn luyện đánh giá năng lực để tham gia kỳ thi. Nhưng rõ ràng, ở thời điểm này, rất nhiều học sinh lớp 5 tại Hà Nội đã và đang vào guồng tăng tốc luyện thi./.
Tác giả: Minh Hường
Nguồn tin: Báo VOV