Tuy nhiên, khác với những ngôi làng cổ nổi tiếng như Đường Lâm, Phước Tích, Mai Xá…, làng cổ Đông Sơn còn hội đủ 5 yếu tố về khảo cổ, lịch sử văn hóa, danh thắng, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.
Năm 1924, một người dân của làng Đông Sơn phát hiện một số đồ đồng bên sông Mã, trong đó có một chiếc trống đồng. Sau nhiều cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều hiện vật quý giá bằng đồng chứng minh về sự tồn tại của một nền văn minh – văn hóa rực rỡ có niên đại cách nay khoảng hơn 2.500 năm.
Và trống đồng chính là biểu tượng cho thời kỳ phát triển rực rỡ này, cũng được mang tên làng - Trống đồng Đông Sơn. Ngoài các di chỉ khảo cổ, trong làng cổ Đông Sơn còn cả một hệ thống di tích văn hóa, lịch sử như: Phủ Mẫu, Đền Đức Thánh Cả, Văn Thánh, Miếu Nhị, văn bia “Tượng Sơn bi ký”… Bên cạnh đó là hàng chục ngôi nhà cổ trên trăm năm tuổi. Hệ thống đường làng được tạo lập theo hình xương cá và các ngõ nhỏ từ xa xưa đã được dân làng đặt những cái tên ý nghĩa như: ngõ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng…
Mặc dù vẫn giữ được những trầm tích văn hóa, những nét cổ kính tiêu biểu của làng quê xưa… Tuy nhiên qua sự biến thiên của thời gian, quá trình đô thị hóa, làng cổ Đông Sơn đang ngày một phai dần và có nguy cơ bị xóa nhòa. Hiện làng còn 13 ngôi nhà cổ, nhưng phần lớn đã xuống cấp. Những ngôi nhà, công trình mới xây không theo quy hoạch đã và đang phá vỡ kiến trúc của làng, khiến làng cổ biến dạng. Đến thăm làng, có cảm nhận về sự “giằng xé” giữa bảo tồn và phát triển nơi đây.
Ngõ Miếu Nhị trong làng cổ Đông Sơn. |
Những công trình mới xây dựng đã và đang phá vỡ không gian kiến trúc làng cổ. |
Ngõ Trí trong làng cổ Đông Sơn. |
Đường vào làng cổ Đông Sơn. |
Ông Dương Đình Tường, người trông coi Đền thờ Đức Thánh Cả giới thiệu về tấm bia khắc trên núi Ngựa. |
Ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi của gia đình ông Duệ-bà Vu ở ngõ Trí. |
Tác giả: Duy Cường
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Đầu tư Tài Chính