Ông Lê Công Lục trưởng dòng họ Lê Công đang cung cấp tư liệu cho tác giả. |
Làng có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi người, đó là nơi “chôn rau cắt rốn”, là nơi nuôi dưỡng thể xác và tâm hồn, là nơi con người gửi gắm bao tình cảm yêu thương và thiêng liêng nhất. Không những thế, làng còn là nơi hình thành bản sắc dân tộc và có vai trò quan trọng đối với vận mệnh đất nước. Nói đến làng, người ta nghĩ ngay đến những biểu tượng văn hóa đặc trưng của làng như: Lũy tre, cây đa, giếng nước, mái đình...
Thông thường là vậy, nhưng quá trình hình thành và phát triển làng ở Thanh Hóa đôi khi xuất hiện những ngôi làng rất đặc biệt không theo thông lệ, làng Công Lập, thuộc xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn là một làng như thế.
Khi tìm hiểu về làng, mọi người đều công nhận một nét rất đặc trưng là tính khép kín của làng. Dù các làng không cách xa nhau là mấy, nhưng mỗi làng lại có một nét văn hóa riêng trong cái chung của khu vực, của nền văn minh lúa nước. Mỗi làng được coi như một cõi riêng. Dân gian có câu: “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Khi người Pháp đặt ách thống trị nước ta, Toàn quyền Đông Dương Đume đã nhận định: “Chúng ta nên duy trì cách tổ chức cũ kỹ này, mỗi làng là một nước cộng hòa nhỏ độc lập trong giới hạn những quyền lợi địa phương”.
Thế nhưng, làng Công Lập hoàn toàn không có địa giới, không có lũy tre, đồng làng, giếng nước riêng của làng, người xưa gọi là làng “hữu đinh, vô điền” và điều đặc biệt nữa là dân đinh trong làng duy nhất chỉ có họ Lê Công. Lịch sử hình thành và phát triển của làng gắn liền với Lê Lộng, vị khai quốc công thần thời Lê sơ. Theo văn bia trong đền thờ Lê Lộng - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cũng như gia phả dòng họ Lê Công do ông Lê Công Lục cung cấp, thì Lê Lộng là người làng Khả Lam, huyện Lương Giang, phủ Thanh Đô (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có công rất lớn trong mười năm bình định giặc Minh, tham gia nghĩa quân ngay sau ngày Hội thề Lũng Nhai (1416). Năm 1428, vua Thái tổ lên ngôi, luận công ban thưởng, ông được xếp vào hàng khai quốc công thần.
Theo gia phả của dòng họ Lê Công, thì Lê Khắc Kiệm là con thứ của Lê Lộng về quê mẹ là vùng đất Thọ Vực ngày nay sinh sống (là đất lộc điền vua ban cho Lê Lộng). Đến đời cháu nhiều đời của Lê Khắc Kiệm có Lê Nhân Tướng làm Bộ binh Thượng thư lĩnh tây trấn cơ mật viện đại thần Đại tướng quân, tước Quận công, được coi là ông tổ của chi họ Lê Công ở đây, gắn với việc hình thành làng Công Lập sau này.
Khi dòng họ Lê Công mới về đây ngụ cư tại thôn Lao, xã Tỉnh Man (làng Man Thôn ngày nay), sau không rõ lý do gì đã chuyển về ở xen cư vào hai làng Man Thôn và Sơn Kỳ. Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy tư liệu thời gian nào thì làng Công Lập được thành lập. Trong cuốn Tên làng xã Việt Nam các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra (NXB Khoa học Xã hội - 1981) đầu thế kỷ XIX chưa thấy tên làng Công Lập. Đến khi nhà Nguyễn cho biên soạn cuốn Đồng Khánh địa chí dư (1885 – 1888), có ghi tên làng Công Lập thuộc xã Tỉnh Man, tổng Bất Náo, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân).
Do ở xen cư với các làng nên bộ máy quản lý thời phong kiến của làng cũng có nét riêng. Làng có lý trưởng (phụ trách chung), hương bạ (theo dõi sổ sách) mà không có hương kiểm (phụ trách an ninh), hương mộc (phụ trách đê điều, phu phen). Lý trưởng của làng có nhiệm vụ thu thuế đinh (sưu), mà không phải thu thuế điền. Đình làng của làng cũng là nhà thờ họ Lê Công, khai quốc công thần Lê Lộng là thành hoàng của làng, đồng thời là thủy tổ của dòng họ. Đây là ngôi đình to, được xây dựng vào thời vua Minh Mạng, khuôn viên rộng tới 1,2 mẫu, có nhiều cây cổ thụ xum xuê, đã được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1996. Trong làng cũng có văn chỉ, võ chỉ để tôn vinh tinh thần hiếu học và thượng võ.
Nếu xét các quy định để được công nhận là làng (đơn vị hành chính trước Cách mạng Tháng Tám) gồm: Có sổ địa bạ, có sổ hương ẩm, có hương ước, có đình làng, có thành hoàng, có hội đồng ngũ hương, có hội đồng bô lão, thì làng Công Lập chưa đủ điều kiện. Ấy thế mà Công Lập vẫn được công nhận là làng, có lý trưởng và con dấu riêng. Điều này khẳng định vị thế của dòng họ Lê Công ở đây.
Về tục lệ, có một nét rất độc đáo trên đất Thọ Vực xưa là cả ba làng Man Thôn, Sơn Kỳ, Công Lập đều tổ chức chung “lễ giao khoán”, đây là ngày hội làng chung lớn nhất trong vùng (làng Man Thôn vào 5-3 âm lịch, làng Sơn Kỳ 14-3, làng Công Thần 23-9). Hàng năm cứ đến ngày giỗ thành hoàng (công kị) của làng nào thì làng ấy tổ chức rất to và mời dân đinh hai làng bên tới dự. Ngoài tế lễ còn tổ chức các trò chơi dân gian, “khách mời” ăn cỗ còn được đem phần về. Những người không đi công kị làng bên thì ở nhà cũng tổ chức làm cỗ ở đình, cả làng cùng dự.
Vài nét sơ qua về làng Công Lập, một làng độc đáo, độc nhất vô nhị ở xứ Thanh. Hiện nay, ở Thanh Hóa đã có nhiều người nghiên cứu về làng, nhưng chưa thấy ai nhắc đến hình thức làng “hữu đinh vô điền”, như ở Thọ Vực. Vậy xin được giới thiệu vài nét về ngôi làng độc đáo này để bạn đọc thấy thêm về sự phong phú, đa dạng của làng quê Việt Nam. Qua đó thấy được sự trường tồn, bất diệt của văn hóa làng và làng Việt.
Tác giả: Minh Túy và Trang Ly
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử