|
Hai mươi sáu tuổi tôi lấy chồng. Chồng tôi hơn tôi mười tuổi. Hồi đó bố mẹ tôi không ưng anh lắm vì anh hơn tôi những mười tuổi mẹ tôi cho rằng hơi nhiều. Vả lại một người đàn ông đã cận kề bốn mươi mà vẫn chưa lấy vợ cũng khiến mẹ tôi có chút lăn tăn lo lắng. Tôi là con gái một của bố mẹ tôi do hiếm muộn, được họ nâng niu nuôi dạy hết lòng, kì vọng của họ dành cho tôi dĩ nhiên là nhiều hơn thế.
Nhưng thói đời, mẹ cha nào thắng được con cái, nhất là một khi bọn trẻ đã yêu. Tôi chỉ thấy người đàn ông tôi yêu vì lớn tuổi nên chững chạc trưởng thành, có thể là bờ vai vững vàng cho tôi tin tưởng mà dựa dẫm.
Cưới chồng đúng lúc tôi bước sang tuổi hai sáu, mẹ chồng nói tuổi này nhất định phải kiêng không nên sinh con vì sinh tuổi này là con trời khó nuôi khó dưỡng. Mẹ chồng nói hồi mẹ sinh chồng tôi cũng hai sáu tuổi, trầy trật chết hụt mấy lần, may mà trời thương. Để yên tâm bà còn mua sẵn bao cao su và thuốc tránh thai để ở đầu phòng ngủ của vợ chồng tôi. Lúc đó tôi nghĩ “cẩn thận thì cũng cỡ mẹ chồng tôi là cùng”.
Qua năm hai sáu tuổi, mẹ chồng tuyên bố “giờ thì đẻ tẹt ga, mấy đứa bà cũng chăm được”. Nhưng rồi hai tháng, năm tháng, một năm đi qua, đến tháng tôi vẫn thấy đều. Mọi người bắt đầu thấy sốt ruột. Nhất là mẹ chồng tôi, bà dường như mất ăn mất ngủ vì mong ngóng cháu đích tôn. Bà lo vì chồng tôi đã lớn tuổi rồi, thứ hai nữa là sợ tôi có tiền sử giống mẹ tôi: Hiếm muộn.
Áp lực của mẹ chồng càng ngày càng đè nặng lên vai tôi. Nhưng chồng tôi thì luôn động viên “em càng lo càng khó. Con cái là trời cho, khó thì mình chạy chữa. Thôi thì chưa có con thì mình lo nhà cửa trước”.
Căn nhà chồng tôi đang ở là nhà cấp bốn cũ khá chật chội, chồng tôi có ý định đập cũ xây mới cho rộng rãi khang trang hơn. Tôi nghĩ thôi thì làm nhà cũng được, bận rộn cho mọi người đỡ căng thẳng chuyện con cái. Thế nhưng sau khi đã thuê thợ dỡ nhà chồng tôi mới thủ thỉ “tiền mình chỉ có bấy nhiêu thôi, thiếu bao nhiêu em mượn ông bà ngoại thêm nhé”.
Tôi tưởng chồng tôi có tiền để làm nhà. Có ai trong tay chỉ hơn một trăm triệu mà đi làm nhà, lại còn muốn làm những hai tầng? Tôi về có ý vay bố mẹ tôi. Bố mẹ nói “nhà chỉ có mỗi con, tiền bạc để dành cũng cho con chứ cho ai. Con mình đã khó có con, thôi bù bập cho nó một tý”. Bố mẹ bảo chồng tôi lo được đến đâu thì lo, còn thiếu bao nhiêu ông bà lo hết. Hôm nghe được tin đó, cả mẹ chồng và chồng tôi xuýt xoa “ ông bà thông gia biết điều và rộng rãi quá”.
Hai năm, ba năm trôi qua, tôi vẫn chưa có con. Đi khám, bác sĩ nói sức khỏe tôi có chút vấn đề, cần thời gian thuốc thang trị liệu. Chồng tôi nói anh sẽ cùng tôi chữa trị đến khi nào có con mới thôi, chỉ cần tôi mạnh mẽ lên, đừng nản.
Tôi luôn nghĩ, may mắn của tôi là có một người chồng biết thấu hiểu, sẻ chia như vậy. Mặc dù những ngày tháng đó, mỗi khi về nhà lại thấy vẻ mặt u uất của mẹ chồng, bà thở vắn than dài, nói “Sắp đi gặp ông bà tổ tiên rồi mà chưa được nhìn thấy cháu đích tôn làm sao nhắm mắt nổi”.
Bấy lâu, tôi thấy mẹ chồng và chồng hay thủ thỉ chuyện gì đó, thấy tôi thì lảng chuyện, giả lả làm ngơ. Tôi thắc mắc, chồng nói không có gì, chỉ là chuyện vớ vẩn.
Vậy mà cuối tuần trước, sau khi cơm nước xong, mẹ chồng nói tôi ngồi xuống nói chuyện. Nhìn không khí mẹ chồng và chồng có vẻ trịnh trọng. Đầu tiên là mẹ chồng tôi nói: “Mẹ biết con tốt, mẹ không phiền hà chê trách con điều gì. Nhưng con biết đấy, tre già thì măng mọc. Mẹ có mỗi chồng con, tuổi mẹ cũng chẳng còn sống được bao lâu, trước lúc khuất núi cũng mong được thấy có cháu cho yên lòng yên dạ. Chồng con cũng nhiều tuổi rồi. Cứ đà này rồi qua bốn mươi, năm mươi, con cái cũng khó. Con thương mẹ, thương nó, cho nó kiếm mụn con bên ngoài. Con vẫn là dâu của mẹ, là vợ của nó”.
Chồng tôi lúc đó cũng tiếp lời: “Anh thương em, anh cũng muốn kiên trì chạy chữa nhưng em thấy đấy, bốn năm rồi, mà bác sĩ nói tử cung em khó mang thai. Anh là con trai, trách nhiệm của anh là duy trì nòi giống. Anh không muốn em khổ nhưng anh cũng có khổ tâm riêng. Một là em để anh có con với người khác. Cô ấy lỡ thì không lấy chồng, cũng chỉ cầu có một mụn con, không cần danh phận. Nếu em chấp nhận được thế, còn không được thì mình ly hôn. Em muốn thế nào cũng được”.
Tôi cảm giác mình không thở nổi, không khóc nổi, nước mắt cứ thế trào ra. Người đàn ông tôi tin tưởng lựa chọn, cuối cùng cũng muốn bỏ rơi tôi vì tôi chưa thể sinh con. Họ nói nhẹ nhàng, như van lơn như cầu xin mà tôi nghe như ngàn mũi kim chích vào da thịt.
Để chồng tôi kiếm một mụn con với người đàn bà khác. Rồi họ sẽ suốt ngày qua lại, hú hí với nhau? Rồi khi họ có con, tình cảm sẽ càng ngày càng bền chặt. Tôi trên danh nghĩa là vợ nhưng rồi có khác chi một người thừa. Một cái cây không thể kết trái đơm hoa thì sao mong được người ta chăm sóc. Tôi có thể sống như vậy mà không khổ đau, hằn học, không ghen tuông được sao?
Còn nếu ly hôn? Tôi đã ba mươi tuổi rồi, chẳng lẽ giờ rời khỏi nhà như một kẻ bị xua đuổi. Còn ngôi nhà này nữa, phần lớn trong đó là tiền bạc, là mồ hôi nước mắt của bố mẹ tôi. Cả đời họ sống trong ngôi nhà cũ nát chật chội, nay nhờ gia đình tôi, có nhà mới khang trang rồi lại muốn tìm cách để tôi ra khỏi nhà.
“Hoặc là em để anh có thêm vợ mới, hoặc là chúng mình ly hôn. Em chọn đi!”. Sau bốn năm hôn nhân, sau bao lần mệt mỏi thuộc thang với bác sĩ, với bệnh viện, sau bao nhiêu ngày dốc sức cho ngôi nhà mới, tổ ấm mới. Cuối cùng điều tôi nhận về chính là sự bạc bẽo như thế.
Để chồng tôi có con với người khác ư? Tôi ích kỉ lắm, tôi không muốn. Còn ly hôn, tôi cũng không muốn. Vì tôi thấy họ đối xử như vậy với tôi là không công bằng, là vô tình vô nghĩa. Tôi phải làm sao đây, lựa chọn như thế nào để đỡ uất ức buồn tủi nhất?
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí