Du lịch

Hòa Bình hướng đến là trung tâm du lịch trung du Bắc Bộ

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã quyết tâm thực hiện Chương trình hành động theo Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với những lợi thế sẵn có, Hòa Bình đã xây dựng được thương hiệu du lịch đặc trưng, hướng đến là trung tâm du lịch vùng trung du Bắc Bộ.

Khu du lịch Cao Phong tại xã Thung Nai, Hòa Bình.


Xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình

Hòa Bình được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng gắn với gìn giữ và phát huy đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.

Để đưa ngành công nghiệp “không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hòa Bình xác định cần thiết phải cơ cấu lại ngành du lịch.

Theo đó, đối với thị trường khách du lịch, bên cạnh tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường khách truyền thống, trọng điểm từ Pháp, Hàn Quốc, Australia, Nhật..., tăng cường liên kết để mở rộng thị trường khách tiềm năng từ Trung Quốc, các nước ASEAN, châu Âu…bởi đây là lượng khách có thời gian lưu trú dài, chi trả cao, muốn trải nghiệm thiên nhiên, bản sắc văn hóa địa phương.

Đồng thời, tập trung khai thác lượng du khách từ Hà Nội và kết nối với các tỉnh phía Bắc; mở rộng thị trường đến các trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...), du lịch cuối tuần gắn với chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tìm hiểu văn hóa lịch sử, trải nghiệm văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng cần tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính, khu vực động lực. Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh về du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao - giải trí. Mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch mới có tiềm năng: du lịch sáng tạo, du lịch chuyên đề, du lịch mạo hiểm, mua sắm...

Đặc biệt, sau điểm dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Hòa Bình cần nhanh chóng triển khai các biện pháp kích cầu du lịch.

Hòa Bình đẩy mạnh phát triển khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh.

Ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đánh giá: “Quan trọng nhất là sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ. Tỉnh Hòa Bình cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch. Đây được cho là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc, thương hiệu du lịch Hòa Bình.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xây dựng những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao để thu hút nguồn khách có mức chi tiêu cao. Ví như các khu nghỉ dưỡng cao cấp: Serena (Kim Bôi); Ecologe, Hideway (Mai Châu)... Một số dự án du lịch có khách sạn 5 sao trên hồ Hòa Bình, dự án cáp treo ở TP Hòa Bình... đang triển khai hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách”.

Hướng đến là trung tâm du lịch vùng trung du phía Bắc

Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 6 nghìn phòng lưu trú; 4,9 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động; xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đạt các điều kiện của Khu du lịch quốc gia vào năm 2025.

Đến năm 2030 có kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao; cơ sở lưu trú đạt trên 10 nghìn phòng; đạt 7,3 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 47 nghìn lao động; khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh…, hướng đến là trung tâm du lịch vùng trung du phía Bắc.

Hòa Bình cần huy động nguồn lực đầu t­­ư xây dựng hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Hòa Bình cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Cụ thể: Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đặc biệt là các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động, quy hoạch, đề án của Trung ương và của tỉnh về phát triển du lịch.

Thứ hai là triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và các Nghị quyết, Chương trình, Quy hoạch, Đề án, Kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh; thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.

Thứ ba là tiếp tục huy động các nguồn lực đầu t­­ư xây dựng hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các tổ chức, doanh nghiệp du lịch tham gia giới thiệu tiềm năng, quảng bá sản phẩm du lịch Hòa Bình.

Thứ tư là tập trung thu hút đầu tư phát triển một số dự án du lịch vui chơi giải trí chất lượng cao trên Khu du lịch hồ Hòa Bình, Điểm du lịch quốc gia Mai Châu; xây dựng câu chuyện về sản phẩm du lịch nhằm tạo hấp dẫn khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

Thứ năm là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch...

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, khi tăng trưởng sẽ tạo hiệu ứng tốt đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành du lịch phát triển là các cấp, ngành, địa phương và người dân nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó có sự chuẩn bị, tham gia tích cực, chủ động, chuyên nghiệp, bài bản hơn vào nhiệm vụ chung, đem lại lợi ích cho bản thân, cộng đồng và tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu cho du lịch Hòa Bình./.

Tác giả: Bùi Lan

Nguồn tin: phapluatplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok