Hồ Tây Trác (Thạch Thành) được xây dựng từ năm 1977, có dung tích thiết kế 2,8 triệu m3, diện tích lưu vực 14km2. Đây là hồ thủy lợi có ý nghĩa lớn trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ tưới 520ha cây trồng của huyện Thạch Thành. Vì vậy, việc hồ bị rò rỉ thân đập từ nhiều năm nay khiến đơn vị quản lý là Cty TNHH MTV Sông Chu hết sức lo lắng.
Hồ Tây Trác (Thạch Thành) bị rò rỉ thân đập không có kinh phí nâng cấp sửa chữa |
Theo quan sát của PV, phần hạ lưu thân đập bị thấm, rò rỉ với chiều dài trên dưới 200m. Từ 5 năm nay, do không có kinh phí sửa chữa, đơn vị quản lý là Cty TNHH MTV Sông Chu đã phải khắc phục tạm thời, làm lọc mái với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, tình trạng rò rỉ vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Theo ông Lê Văn Thủy, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Sông Chu, với tình trạng xuống cấp của hồ Tây Trác như hiện nay cần nguồn kinh phí hơn 5 tỷ đồng để gia cố thân đập, mở rộng tràn xả lũ. Ngành nông nghiệp địa phương cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT đưa vào dự án gia cố hồ đập của dự án WB8 nhưng hiện chưa được bố trí nguồn kinh phí. Do thân đập có nguy cơ vỡ, mỗi khi mưa lũ, Cty phải cử lực lượng túc trực 24/24 giờ và chuẩn bị sẵn sàng phương châm "4 tại chỗ" để xử lý khi có sự cố xảy ra. Trong khi đó, tại nhiều hồ đập do Cty quản lý cũng đang xảy ra tình trạng tương tự khiến việc bố trí, điều tiết nhân lực hết sức khó khăn.
Ngoài hồ Tây Trác, trong tổng số 45 hồ đập do Cty TNHH MTV Sông Chu quản lý hiện còn có 4 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Sự cố chủ yếu của 4 hồ này là thấm thân đập, hỏng tràn, hỏng cống…
“Tổng dung tích 5 hồ do Cty TNHH MTV Sông Chu quản lý bị hư hỏng có dung tích thiết kế 15 triệu m3. Trong số này hiện có hồ Đồng Bể đang được đầu tư nâng cấp từ nguồn WB8; hồ Kim Giao ở Tĩnh Gia đang lập hồ sơ xin sửa chữa; 2 hồ đang đề nghị sửa chữa là Khe Tuần (Tĩnh Gia), Bai Ao (Ngọc Lặc).
Nếu các hồ không thể tích nước thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tưới cho hàng nghìn ha cây trồng và nước sinh hoạt của nhân dân. Đó là chưa kể, khi mưa lũ tràn về, hàng nghìn hộ dân vùng hạ lưu sẽ rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Để nâng cấp sửa chữa 5 hồ đập này cần khoảng 100 tỷ đồng trong khi nguồn kinh phí không thể đáp ứng một sớm một chiều”, ông Thủy cho biết.
Không chỉ những hồ đập do doanh nghiệp quản lý, hầu hết các hồ đập do địa phương quản lý cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, trong tổng số 565 hồ chứa do huyện quản lý hiện có 228 hồ đã được sửa chữa, nâng cấp; 29 hồ chứa đang thi công. Trong số 29 hồ chứa đang thi công có 6 hồ bố trí từ nguồn vốn xử lý khẩn cấp sau đợt mưa lũ tháng 10/2017, nay đã có 3 hồ hoàn thành nâng cấp sửa chữa. 23 hồ chứa bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh gồm có 5 hồ chứa đã thi công cơ bàn hoàn thành (đạt 95 - 100%); 14 hồ chứa thi công đạt từ 50% trở lên, 9 hồ chứa tiến độ thi công mới đạt từ 10 - 45%, chưa đảm bảo vượt lũ an toàn trong năm 2018.
Ngoài ra, trong số các hồ do địa phương quản lý hiện có 124 hồ bị hư hỏng nặng. Đây đều là những hồ được xây dựng 40 - 50 năm trước, thân đập chủ yếu bằng đất, rò rỉ, lở thân đập, hỏng miệng cống, xả tràn. Trong đó, huyện Ngọc Lặc 20 hồ; Thạch Thành 16 hồ; Thường Xuân 14 hồ; Tĩnh Gia 11 hồ; Nông Cống 10 hồ; Triệu Sơn 8 hồ; Bá Thước, Cẩm Thủy (mỗi huyện 7 hồ)...
Do 124 hồ này không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2018 nên UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo không tích nước 19 hồ chứa và chỉ tích nước một phần 105 hồ chứa còn lại. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, việc không tích được nước cho một số lượng hồ lớn như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nước tưới cho sản xuất vụ xuân sắp tới, nhất là các huyện miền núi sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước tự chảy của các hồ đập.
Trước thực trạng nhiều hồ đập xuống cấp, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp, trong đó ưu tiên đầu tư các hồ chứa không đảm bảo an toàn trong mù mưa lũ. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã báo cáo Bộ NN-PTNT và PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp nâng cấp sửa chữa 16 hồ chứa. |
Tác giả: VÕ VĂN DŨNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam