Thể thao

HLV Park Hang Seo có bị áp lực phải ưu ái Công Phượng?

Công bằng mà nói, Công Phượng vẫn có một vài thời điểm làm nức lòng người xem trong sắc áo các đội tuyển. Nhưng nếu chỉ là một vài thời điểm, nếu chỉ là khi tỏ khi mờ, Công Phượng liệu có khác trường hợp của Trần Phi Sơn của SL Nghệ An?

Thỉnh thoảng, Phi Sơn cũng có một vài khoảnh khắc toả sáng khi khoác áo các đội tuyển Việt Nam, điển hình là ở môn bóng đá nam tại Asiad 2014, nơi đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Miura còn đánh bại U23 Iran đến 4-1, để giành quyền vào vòng knock-out.

Những yếu tố mà Công Phượng có như chất kỹ thuật, sự lắt léo, Phi Sơn cũng có. Cùng lúc đó, những nhược điểm của Công Phượng cũng là nhược điểm của chính Phi Sơn. Tức là cả hai không có sự ổn định, có thể chơi rất hay lúc hưng phấn, nhưng cũng có thể trở thành người… thừa ở trên sân lúc mất cảm hứng.

Và cũng giống như Công Phượng, Phi Sơn thỉnh thoảng vẫn quá lạm dụng kỹ thuật cá nhân, mà quên mất lối chơi đồng đội, làm chậm luôn lối chơi chung của cả tập thể.

Công Phượng được bao bọc rất tốt nhưng hiếm khi chứng minh mình xứng đáng được đá chính ở đội tuyển Việt Nam (ảnh: Gia Hưng)

Nhưng điểm khác biệt rất lớn giữa 2 người này, đó là Phi Sơn không phải là trụ cột ở đội tuyển quốc gia, hiện không được gọi lên đội tuyển, còn Công Phượng gần như luôn luôn có chỗ ở đội tuyển, được xem như trụ cột để các HLV qua nhiều thời kỳ xây dựng lối chơi xung quanh Công Phượng. Cho dù, hiếm khi cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam chứng minh được mình xứng đáng với tư cách trụ cột của đội tuyển quốc gia.

Ít khi chứng minh được tầm quan trọng của mình ở cấp độ đội tuyển, nhưng vẫn ít có HLV nào dám gạt Công Phượng ra khỏi danh sách ở mỗi đợt tập trung, thậm chí còn phải khiêng cưỡng sắp cầu thủ này vào đội hình chính, trước khi có thể làm xáo trộn toàn bộ ý đồ chung, nhịp điệu chung của toàn đội.

Ví dụ như HLV Park Hang Seo trong trận đấu với Afghanistan vừa rồi chủ trương đá phòng ngự phản công nhưng phải sắp đến 3 tiền đạo trên sân, vì phải chừa chỗ cho Công Phượng.

Chơi phản công mà bố trí đến 3 tiền đạo, trong khi chỉ dùng 1 tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa thì quả là nghịch lý. Muốn đá nhanh, đá chớp nhoáng, nhưng lại buộc phải dùng cầu thủ thường xuyên lạm dụng kỹ thuật cá nhân trên sân nên thành ra chậm.

Nhiều HLV biết đấy là nghịch lý nhưng cũng hiểu rõ áp lực trong trường hợp không dùng Công Phượng nói riêng và các đồng đội từ CLB HA Gia Lai của anh này là như thế nào.

HLV Miura trước đây chỉ vì dám nói thẳng, nói thật về năng lực thực của thế hệ Công Phượng ở HA Gia Lai mà phải chia tay đội tuyển Việt Nam. Hồi đó, vị HLV người Nhật Bản liên tục hứng chịu những chỉ trích từ phía bầu Đức, trong khi ông Đức lại là phó chủ tịch VFF – cơ quan chủ quản của HLV Miura khi ông còn nắm các đội tuyển quốc gia.

Dạng cầu thủ có kỹ thuật và thích đi bóng như Công Phượng, bóng đá Việt Nam không hiếm. Nhưng đặt trường hợp, nếu Công Phượng không phải là quân của bầu Đức, liệu anh có rơi vào hoàn cảnh giống Trần Phi Sơn hiện tại hay không?

Nếu Công Phượng không phải là quân của bầu Đức, liệu anh có luôn chắc suất đá chính ở đội tuyển quốc gia bất chấp phong độ, bất chấp năng lực thực và bất chấp khả năng đóng góp hay không?

Tác giả: Kim Điền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok