Thể thao

HLV Miura mới là người kích hoạt 'ngòi nổ' Công Vinh

Không phải Hữu Thắng, người đã giúp Công Vinh lấy lại phong độ trong sự nghiệp là cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam Toshiya Miura.

Ai là người kích hoạt “quả bom” mang tên Lê Công Vinh ở tuyển Việt Nam? Không phải Hữu Thắng, người đã mang tới Công Vinh hay nhất trong sự nghiệp là cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam Toshiya Miura.

Ngày 2/7/2014 là một trong những cột mốc đáng nhớ của Lê Công Vinh ở đội tuyển Việt Nam. Hôm ấy, số 9 lập một hat-trick vào lưới Myanmar. Dù đây chỉ là một trận giao hữu nhưng đó là những bàn thắng đầu tiên của Công Vinh cho tuyển Việt Nam sau gần... 2 năm. Lần cuối cùng Công Vinh làm được điều tương tự là trước Malaysia hôm 11/9/2012.

HLV Miura có công lớn trong việc giúp Công Vinh tìm lại phong độ đỉnh cao. Ảnh: Thanh Hà

Trận đấu với Myanmar hôm 2/7 có gì đặc biệt? Đó là trận cầu ra mắt của HLV Toshiya Miura. Trước trận đấu ấy, đội tuyển quốc gia là đêm trường u tối với Công Vinh. 4 năm kể từ 2009, qua 4 đời HLV trưởng, anh chỉ có 5 pha lập công cho đội tuyển. Kể từ 2014 tới nay, qua 2 đời HLV, Công Vinh đã có 15 lần ghi bàn. 9/15 bàn ấy được ghi dưới triều đại Toshiya Miura.

Để mang Lê Công Vinh hay nhất trở lại, việc đầu tiên Miura làm là cho anh... ngồi dự bị. Trận gặp Indonesia ngày khai mạc AFF Cup 2014, Công Vinh lần đầu tiên ngồi ngoài. Trước đó, anh luôn là lựa chọn số một trên hàng công của đội tuyển suốt cả thập kỷ. Ông Miura tin rằng sự tự ái của đôi chân đã 3 lần giành Quả bóng Vàng Việt Nam sẽ thôi thúc Công Vinh. Và ông đã đúng. anh được thay vào sân ở phút 55, chỉ cần 13 phút trước khi ghi bàn. Kể từ giây phút ấy, Công Vinh không bao giờ còn quay đầu lại.

Giải đấu năm ấy, Lê Tấn Tài mang băng đội trưởng trong phòng họp báo. Nhưng Công Vinh mới là thủ quân trên sân cỏ. Sau khi Tấn Tài giải nghệ, Miura chính thức trao băng thủ quân cho Công Vinh như là bằng chứng của sự tin tưởng tuyệt đối.

Trong hệ thống 4-4-2 của Miura, hàng loạt tiền đạo đã được thử nghiệm. Mạc Hồng Quân, Công Phượng, Đình Tùng, Văn Thắng đều từng được gọi tên. Ngay đến Văn Quyết cũng từng phải ngồi dự bị cho Mạc Hồng Quân vì tiền đạo Việt Kiều này “phòng ngự giỏi hơn”. Chỉ một mình Công Vinh là bất khả xâm phạm. Vị trí của anh vững như bàn thạch cả trong thi đấu chính thức lẫn giao hữu.

HLV người Nhật Bản từng nói về cậu học trò: “Các bạn đã thấy Công Vinh thi đấu thế nào, hỗ trợ phòng ngự ra sao, tấn công tốt như thế nào. Nhìn những điều đó, tôi hiểu tại sao Công Vinh lại là cầu thủ quan trọng nhất đội bóng, là người duy nhất còn lại từng giành chức vô địch AFF Cup. Đơn giản bởi anh ta là một cầu thủ xuất sắc.”

Chúng ta đã khen Hữu Thắng rất nhiều khi Công Vinh rực sáng. Nhưng hãy nhớ, chính Miura mới là người đầu tiên đưa số 9 trở lại.

Di sản thể lực

Thể lực cũng là một di sản khác của Miura. Không phải ngẫu nhiên mà 3 bàn thắng của tuyển Việt Nam trước Singapore đều tới trong hiệp phụ. 30 phút cuối với Singapore là lần hiếm hoi trong lịch sử, tuyển Việt Nam áp đảo về sức bền trước đối thủ cùng khu vực.

Nếu bàn mở tỷ số là pha phối hợp hoàn hảo của Công Vinh - Văn Quyết thì hai bàn còn lại thể hiện dấu ấn đậm nét về thể lực. Ở bàn thứ hai, các hậu vệ Singapore phản ứng quá hời hợt. 2 cầu thủ của họ không chặn nổi Văn Quyết trong cú sút ghi bàn.

Sang bàn thứ 3, mọi thứ còn tệ hơn. 4 hậu vệ Singapore không chặn nổi 3 cầu thủ Việt Nam. Họ di chuyển chậm nên giăng bẫy việt vị hỏng. Khi Thanh Trung thoát xuống, hậu vệ phải của Myanmar cũng không đủ sức chạy theo. Nếu tình huống thoát xuống của Trung là một bài thi bứt tốc thì Thanh Trung và Hoàng Thiên đã thắng tuyệt đối 4 hậu vệ Myanmar.

Sự vượt trội về thể lực ấy chính là điều từng khiến Miura bị chỉ trích nhiều nhất khi còn ở Việt Nam.

Tác giả bài viết: Thanh Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok