Giáo dục

Hiệu trưởng trường nội trú Phù Yên bị tố ăn bớt phần ăn học sinh

Ông Lò Xuân Dừa, Hiệu trưởng trường Phổ thông trung học Nội trú huyện Phù Yên, Sơn La bị giáo viên tố cáo một loạt sai phạm và bớt xén khẩu phần ăn của các em học sinh, dẫn đến nhiều bức xúc.

Vừa qua, Kiến Thức nhận được đơn thư tố cáo của tập thể giáo viên và phụ huynh trường Phổ thông dân tộc Nội trú huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, đồng loạt “tố” ông Lò Xuân Dừa, Hiệu trưởng trường này có nhiều khuất tất trong công tác quản lý cũng như điều hành nhà trường, hiệu trưởng ăn bớt khẩu phần ăn của học sinh.

Hiệu trưởng bị tố cáo một loạt sai phạm

Cụ thể, ông Dừa bị tố thu tiền đầu vào của học sinh có dấu hiệu nhập nhèm, không minh bạch; tư lợi cá nhân. Hay việc chỉ đạo cắt giảm khẩu phần ăn của học sinh nội trú. Việc tự ý cho mở căng-tin trái quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La dẫn tới tình trạng "cắm quán" và nợ nần của nhiều em học sinh…

Theo tìm hiểu, năm học 2018 – 2019 trường Phổ thông dân tộc Nội trú huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La thu tiền đầu vào của học sinh như sau: khối học sinh lớp 6 và lớp 10 thu tiền đầu vào là 500 nghìn đồng/học sinh, thu quỹ phụ huynh 400 nghìn đồng/học sinh, thu tiền đồng phục thể dục và áo sơ mi trắng là 350 nghìn đồng /học sinh(riêng các em học sinh lớp 7, 8, 9 và 11 số tiền này ông Dừa chỉ đạo trừ qua học bổng của các em).

Như vậy, tổng số tiền mỗi học sinh khối 6 và khối 10 phải nộp là 1 triệu 250 nghìn đồng một năm; còn đối với học sinh các khối 7, 8, 9 và 11 phải đóng là 750 nghìn đồng/ năm.

Phổ thông dân tộc Nội trú huyện Phù Yên.

Theo đơn tố cáo, tháng 7/2017 ông Lò Xuân Dừa được bổ nhiệm và nhận công tác tại trường Phổ thông dân tộc Nội trú huyện Phù Yên. Sau 1 năm về nhận công tác ông Dừa đã có “biểu hiện” tư lợi cá nhân đó là toàn bộ tài sản của nhà trường sau khi tháo dỡ để tu sửa, thay vì thực hiện đúng quy định ông Dừa đã “tận dụng” các như khung cửa gỗ, sắt, cửa sổ, gạch, ngói... vẫn còn sử dụng được để mang về nhà dùng mà không hề có Biên bản thanh lý tài sản hay thông qua Hội đồng nhà trường.

Hơn nữa, quá trình về công tác trên danh nghĩa là hiệu trưởng ông Dừa đã tuyển dụng “thêm” người nhà là Mùi Văn Đăng và Nguyễn Thị Thanh Bình là cháu ruột của ông Dừa phân công nhận nhiệm vụ tại hai vị trí là thủ kho và quản lý vật tư.

Bớt xén khẩu phần ăn

Đặc biệt hơn, ông Dừa - Hiệu trưởng trường nội trú Phù Yên bị tố cắt xén khẩu phần ăn học sinh.

Cụ thể, ông chỉ đạo tổ nhà bếp cắt giảm khẩu phần ăn của học sinh như: gạo, thịt, nước mắm, rau, củ, quả... Không có sự bàn bạc với Hội đồng nhà trường. Ông Dừa đã tự ý chỉ đạo cắt giảm số lượng gạo xuống còn 120kg/ngày (sáng 60kg, chiều 60kg, trong khi số gạo phải xuất bắt buộc trong 1 ngày theo tiêu chuẩn là 140kg) có những ngày chỉ xuất 100 – 135 kg, 4 lít dầu ăn có ngày xuất 2 lít, nước mắm một ngày 2 chai, nhưng chỉ xuất 1 chai, không phát đủ số lượng mỳ tôm... việc cắt giảm nhằm “tiết kiệm”.

Việc cắt giảm khẩu phần ăn để làm gì? và do ai quản lý? thì không một ai trong trường được biết.

Theo tố cáo của 1 giáo viên tên Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi), khi ban giám hiệu cũng như các giáo viên trong trường có ý kiến thì ông Dừa nói rằng “tôi chỉ đạo bớt lại khẩu phần ăn thì cứ bớt, còn việc hợp lý hóa với chứng từ với nhà nước thì tôi sẽ có trách nhiệm. Còn ai muốn hỏi gì thì hỏi tôi đây”.

Vì sợ trả thù, trù dập nên thời gian đầu nhiều giáo viên trong trường cũng như tổ nhà bếp đành “làm ngơ” không ai dám phản ánh phản đối.

Ông Lò Xuân Dừa. (Ảnh cắt từ clip)

Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Phù Yên là trường chuyên biệt dành cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo học.

Vì thế, những khoản thu “trên trời” này gây nhiều khó khăn cho gia đình mỗi em học sinh. Điều đáng nói, khoản thu đầu vào của các em học sinh không hề có sự bàn bạc giữa nhà trường và phụ huynh mà do Ban giám hiệu tự quyết định và “phân bổ” cho các thầy, cô giáo các khối lớp phải thu. Phụ huynh học sinh cũng không biết số tiền đó thu để sử dụng vào mục đích gì?

Khi phụ huynh có thắc mắc và để giải đáp thắc mắc này thì được Ban giám hiệu trả lời rằng đó là tiền đóng góp xây dựng như: tường rào, vận chuyển đồ đạc từ trường cũ sang trường mới, mua sắm dụng cụ bếp núc... Trong khi đó, những năm học trước đây nhà trường chưa từng thu của học sinh nào với mức cao và bất hợp lý như vậy.

Điều khiến các giáo viên và phụ huynh bức xúc hơn nữa là việc ông Dừa ký hợp đồng với cháu của mình là Nguyễn Thị Thanh Bình cho thuê 1 căn phòng để mở căng-tin ngay trong trường. Tháng 10/2018 Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã có Công văn yêu cầu phải chấm dứt hoạt động này khi chưa được phép.

Mặc dù Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã yêu cầu, thế nhưng ông Dừa đã không chấp hành mà vẫn cố tình làm trái với chỉ đạo cấp trên, căng-tin vẫn tồn tại và hoạt động bình thường.

Cô Nguyễn Thị Nghĩa, một trong những giáo viên của trường quá bức xúc đã công khai tố cáo.

Được ông Dừa “tạo điều kiện”, Bình phối hợp với bà Nguyễn Thị Hiêng (vợ ông Dừa) giáo viên trong trường làm và bán đồ ăn sáng cho các em học sinh các loại bánh như: bánh ít uôi (bánh nếp của người dân tộc Thái trắng), bánh rán với giá 7 nghìn đồng cho 2 chiếc bánh rán; bánh ít uôi với giá 7 nghìn đồng/chiếc (chênh lệch với giá thị trường từ 2 – 3 nghìn đồng/chiếc).

Việc “kinh doanh” sẽ “thuận lợi” nếu như bánh không bị nửa sống nửa chín, có mùi chua và mùi hôi. Rất nhiều lần các em học sinh phản đối và đem bánh vứt vào thùng rác thì sự việc mới bị “bại lộ”.

Việc mở căng-tin dẫn đến nhiều em học sinh đã phải "cắm quán", nhiều em học sinh nợ đến cả triệu đồng, gây bức xúc cho các bậc phụ huynh bởi những năm học trước đây chưa bao giờ có sự việc xảy ra.

Hiệu trưởng không cung cấp thông tin cho báo chí?

Tìm hiểu được biết, ngày 16/9/2018, vợ chồng ông Lò Xuân Dừa đã bỏ nhiệm sở trong phiên trực (trực Ban giám hiệu là ông Dừa, trực tuần giáo viên chủ nhiệm là bà Hiêng). Bởi ngày hôm đó, đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trong nhà trường.

Theo đó ông Vì Đình Yêu (Chủ tịch MTTQVN huyện Phù Yên) đi xe riêng vào trường thăm cháu Phùng Hà An Sơn (học sinh lớp 6) quá trình dừng đỗ xe thiếu cẩn trọng nên đã gây ra tai nạn khiến cho em Giàng A Sử (học sinh lớp 7) gãy xương quai xanh, tổn thương phần ngực phải cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức. Khi sự việc xảy ra ông Dừa không những không có mặt mà còn yêu cầu cán bộ, giáo viên trong nhà trường không được để lộ thông tin ra bên ngoài.

Trước những thông tin trên, PV Kiến Thức đã liên hệ với ông Lò Xuân Dừa, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc Nội trú huyện Phù Yên để tìm hiểu về những thông tin đang bị tố cáo. Ông Dừa hẹn đầu giờ chiều làm việc, nhưng trưa thì nhắn tin “cáo ốm” phải đi khám nên không gặp PV được. Đồng thời, yêu cầu PV phải có Giấy giới thiệu của Sơn GD&ĐT tỉnh Sơn La thì ông mới tiếp.

Ngày 25/4, làm việc với Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Sơn La, ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng cho biết, Sở cũng đã nhận được đơn tố cáo. Hiện tại, 2 cán bộ của Sở GD&ĐT Sơn La đang phối hợp với Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Phù Yên thực hiện việc thanh kiểm tra đối với những nội dung như đã nêu ở trên.

"Lúc nào có kết luận, Sở GD&ĐT sẽ chính thức thông báo tới PV"- ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Sơn La nói.

Tác giả: Mùi Sơn - Minh Hải

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok