Ngày 6/10, hình ảnh bữa trưa do một thầy giáo tại trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tố cắt xén khẩu phần của học sinh nhận được sự quan tâm của dư luận.
Phòng Giáo dục sẽ kiểm tra hoạt động nhà trường
Trao đổi với Zing.vn trưa 6/10, ông Tạ Hồng Lựu cho biết trong buổi họp giao ban hiệu trưởng sáng nay, ông đã nêu vấn đề được báo chí và mạng xã hội phản ánh.
Theo ông Lựu, bà Trần Thị Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Điện Biên 2, trình bày rằng bữa ăn của học sinh không phải hôm nào cũng có cá thu.
Cá thu đắt, nhà bếp không linh động, mua cá thu thì không có món khác. Nhà bếp mua theo định mức tiền nên nhìn vào sẽ thấy suất ăn "nghèo nàn". Trường có thực đơn cho từng bữa.
“Cô hiệu trưởng lý giải có đồng chí trong nội bộ cố tình làm việc này. Người đó lựa chọn bữa ăn trông sơ sài nhất để chụp ảnh đăng lên. 100 bữa tốt, có một bữa như thế đương nhiên nhìn nhận xã hội lệch lạc đi”, ông Lựu nói.
Cũng theo vị trưởng phòng, trong buổi họp, ông nói đây là bài học cho các trường. Bởi, việc trình bày bữa ăn từ hình thức, nội dung đến chế độ dinh dưỡng phải đều đảm bảo. Chi tiền mua đồ đắt nhưng cũng khó lý giải được với dư luận.
Bữa ăn của học sinh trường Tiểu học Điện Biên 2 đăng tải trên mạng xã hội. Cô hiệu trưởng khẳng định, suất ăn chính này trị giá từ 18.000-19.000 đồng. |
Trường Điện Biên phải làm báo cáo về việc thực hiện ăn bán trú, sau đó tổ chức cuộc họp để phân tích bữa ăn có đảm bảo không, làm rõ kinh phí và làm văn bản báo cáo về phòng GD&ĐT.
“Đầu tuần sau, phòng sẽ kiểm tra toàn bộ việc tổ chức hoạt động đầu năm của trường Điện Biên, chứ không riêng vụ này. Chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí khi có kết quả”, ông Lựu thông tin.
'Bữa ăn quá đắt'
Anh Vũ Chung - chủ một quán ăn ở Hà Nội - cho rằng muốn biết chính xác giá trị gốc của suất ăn cần tìm hiểu thông tin như: Chất lượng thực phẩm quyết định giá thực phẩm đầu vào; nấu ăn cho bao nhiêu suất; chi phí thuê địa điểm.
Căn cứ thông tin trên báo chí có thể thấy suất ăn do nhà trường tự đứng ra tổ chức nên giảm nhiều chi phí như thuê mặt bằng, điện nước... Những chi phí này chiếm một phần không nhỏ trong tiền gốc của bữa ăn.
Theo chủ quán ăn này, cá thu tươi có giá 210.000 đồng/kg, nhà trường mua không phải đắt. Nhìn số lượng thức ăn trên khay của học sinh có thể thấy chi phí không hợp lý.
Cụ thể, anh Chung tính toán một khẩu phần ăn của học sinh trong ngày có tổng 23.000 đồng, bao gồm 2 bữa ăn (một bữa chính, một bữa phụ). Trong đó, bữa ăn được chụp ảnh đưa lên mạng là bữa chính trị giá 19.000 đồng, bữa phụ 4.000 đồng. Mỗi tháng học sinh có 22 ngày ăn ở trường và đóng 150.000 đồng tiền phục vụ hàng tháng.
Công thức tính bữa ăn (gồm cả tiền phục vụ) mà anh Chung đưa ra là: (23.000 x 22) + 150.000 đồng = 656.000 đồng. Chia cho 22 ngày, trung bình bữa ăn của học sinh phải là 29.900 đồng (cả bữa chính, bữa phụ).
Theo cách tính toán của chủ cửa hàng ăn Vũ Chung, chi phí cho suất ăn chính của học sinh phải là 26.000 đồng (tính cả tiền phục vụ). Với số tiền này, phóng viên đã mua một suất cơm ở thành phố Thanh Hóa, gồm cá thu sốt, rau muống luộc, dưa cà muối, lạc rang, canh nấu ngao. Ảnh: Nguyễn Dương. |
"Trừ tiền ăn phụ giá 4.000 đồng, bữa ăn chính có giá 25.800 đồng chứ không phải khoảng 18.000-19.000 đồng, vì chi phí suất ăn phải tính cả tiền phục vụ", anh Chung lập luận.
Từ đó, người này khẳng định suất ăn của trường Tiểu học Điện Biên 2 là quá đắt. Ngay tại Hà Nội, với số tiền tương đương, trẻ em có thể ăn tốt hơn.
Về dinh dưỡng, anh Chung cho rằng cá tuy nhiều chất nhưng nếu chỉ ""độc món" sẽ không thể đủ đảm bảo cho trẻ.
Chiều 5/10, bà Trần Thị Vân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Điện Biên 2 - xác nhận ảnh được chia sẻ trên mạng là suất ăn trưa 4/10 của học sinh trường. Bà Vân cho biết mỗi bữa ăn của học sinh trị giá 23.000 đồng, bao gồm bữa chính (từ 18.000-19.000 đồng) và bữa phụ (từ 3.000-5.000 đồng). Nữ hiệu trưởng nói cá thu đắt tiền, nhà trường mua tổng cộng 91 kg cá tươi với giá 210.000 đồng/kg. Các hoạt động này đều có giáo viên giám sát. Nếu tính cả rau, gia vị, mắm muối, trường còn bị "âm" tiền. Nữ hiệu trưởng khẳng định không có chuyện nhà trường bớt xén khẩu phần ăn của học sinh. "Nếu cần thiết, nhà trường sẵn sàng mời thanh tra tài chính của thành phố vào làm việc để đảm bảo sự minh bạch, có kết quả thông báo trước hội đồng nhà trường", bà Vân nói. |
Tác giả: Nguyễn Dương - Quyên Quyên
Nguồn tin: zing.vn