Trong tỉnh

Hậu Lộc (Thanh Hóa): Vì sao Dự án Nhà máy xử lý rác thải không thể triển khai?

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp (DA) huyện Hậu Lộc đặt tại xã Tiến Lộc, công suất 150 tấn rác/ngày, đủ khả năng phục vụ cho nhu cầu xử lý rác thải vốn đang rất cấp thiết cho 24 xã chưa có lò đốt rác trong huyện. Tuy nhiên, sau khi được UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt, cấp phép, đến nay DA vẫn chưa thể triển khai do sự phản ứng của người dân địa phương.

Cánh đồng thôn Ngọ, nơi đặt Nhà máy xử lý rác thải.

Theo ông Đồng Minh Quang - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Dự án Nhà máy xử lý rác thải Hậu Lộc do Cty CP môi trường Vạn Tiến Lộc làm Chủ đầu tư, xử lý rác theo công nghệ đốt, có dây truyền công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn châu Âu. Trước khi đưa vào lò đốt, toàn bộ lượng rác đưa về đều được phân loại, trong đó khoảng 50 – 60% được tái chế, sản xuất phân bón và một số vật liệu khác. Số còn lại sẽ được đưa vào lò đốt, nhằm đảm bảo tiêu hủy rác triệt để, quá trình đốt sẽ được chia làm hai giai đoạn, ban đầu rác được đốt ở lò sơ cấp, nhiệt độ 500 – 600OC, tiếp đó, số còn lại sẽ được đưa vào lò thứ cấp, nhiệt độ lên tới 1.200OC. Với nhiệt độ cao này, tất cả số rác còn lại sẽ được thiêu hủy hoàn toàn, kể cả chất thải rắn.

Mặt khác, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chí về nhà máy xử lý rác thải, nhất là công đoạn tập kết và lưu giữ, phân loại rác. Trong quá trình xử lý, lượng khói phát sinh trong khi đốt sẽ được cho “chạy” và lọc qua hệ thống các kênh nước trước khi xả ra môi trường. Cũng theo ông Quang, hiện tại, nhu cầu xử lý rác thải tại địa phương đã trở nên hết sức cấp thiết, không thể trì hoãn, lý do vì trên địa bàn huyện, cho đến nay chưa có một nhà máy xử lý rác thải tập trung nào, ngoài một số lò đốt rác công suất nhỏ. Trong khi lượng rác thải sinh hoạt và công nghiệp cần thu gom, xử lý ngày càng lớn, nhất là đối với khu vực thị trấn và các xã phía bắc của huyện.

Trước tình hình bức thiết về rác thải không được thu gom, xử lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và chất lượng cuộc sống, sức khỏe của nhân dân. Ngay sau khi DA được UBND tỉnh phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Như “nắng hạn gặp mưa rào”, UBND huyện Hậu Lộc đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB), hoàn tất các thủ tục cần thiết và phối hợp với UBND xã Tiến Lộc để thông báo rộng rãi về DA, tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến về DA cũng như chính sách, chủ trương của huyện trong công tác đền bù, hỗ trợ GPMB…

Tuy nhiên, ngay từ khi bắt tay vào triển khai, DA đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân trong xã. Bất chấp sự tuyên truyền, vận động, giải thích của cán bộ xã, huyện, hầu hết người dân đều một mực không cộng tác, đã nhiều lần, lãnh đạo huyện từ Trưởng, Phó phòng, ban đến Phó Chủ tịch, Chủ tịch huyện về xã, tổ chức họp dân để mong đối thoại, lắng nghe ý kiến, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, bất cập… nhưng đều “bó tay” ra về.

Được biết, theo Quyết định được UBND phê duyệt, DA có tổng vốn đầu tư khoảng 48 tỷ đồng, công suất 150 tấn rác/ngày, tổng diện tích khoảng 55.000m2. Các hạng mục chính gồm: xưởng chứa và phân loại rác; nhà xưởng, kho chứa và 03 lò đốt; xưởng sản xuất gạch không nung, khu xử lý chất thải lò đốt; xưởng phân loại rác thải công nghiệp; ao sinh học; ao chứa nước mưa; khu xử lý nước thải tập trung, khu trồng cây xanh… địa điểm xây dựng tại cánh đồng thôn Ngọ, xã Tiến Lộc. Đáng chú ý, mặc dù là đất canh tác, thuộc quyền sử dụng của khoảng 200 hộ dân trong xã, nhưng phần lớn diện tích này đều gần như bỏ hoang từ lâu.

Ông Lê Văn Thiết - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc trao đổi với phóng viên.

Làm việc với phóng viên, ông Lê Văn Thiết - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc cho biết: Trước tình hình người dân phản đối DA một cách quyết liệt, theo chỉ đạo của huyện, lãnh đạo xã đã làm mọi cách có thể nhằm tuyên truyền cho dân hiểu ý nghĩa, sự cần thiết của DA. Trong đó, quan trọng nhất là làm cho bà con yên tâm, tin rằng khi nhà máy vận hành sẽ không ảnh hưởng đến đến môi trường, đến nguồn nước… Đáng tiếc, mọi cố gắng của xã, huyện đều không có kết quả, người dân không dự họp, không nêu ý kiến mà chỉ nhất mực phản đối DA. Đã có lần, theo yêu cầu của một số bà con, UBND huyện mời nhà đầu tư đưa băng hình, máy chiếu về để giới thiệu về dây truyền công nghệ, hình ảnh hoạt động của hệ thống xử lý rác thải sẽ được lắp đặt tại DA. Tuy nhiên, không những không “thèm xem”, một vài người quá khích còn “dọa” đập máy?

Cũng theo lãnh đạo địa phương, mới đây (vào thời điểm sau Tết) Hợp tác xã tiến hành vét mương, đắp bờ gần khu vực DA để phục vụ sản xuất, một số người quá khích còn hô hào, phao tin sai sự thật là xã đang cho làm đường để khởi công DA nhà máy rác. Đồng thời kéo nhau ra hiện trường để ngăn cấm, giữ máy móc, phương tiện, vụ việc đã gây ầm ĩ khiến UBND xã phải can thiệp để giữ an ninh, trật tự.

Được biết, do sự phản ứng của người dân dẫn đến chậm tiến độ, DA đến nay đã hai lần được UBND tỉnh ra Công văn gia hạn tiến độ, thời gian thực hiện, giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng, vận hành. Trước tình hình trên, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, bằng mọi giải pháp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận. Theo chúng tôi, về phía người dân cũng cần gắn lợi ích của mình với lợi ích chung của cộng đồng, việc lo ngại nhà máy xử lý rác gây ảnh hưởng môi trường là có cơ sở. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, trong cả nước có không ít nhà máy xử lý rác thải, do các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết thực hiện, được đầu tư bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến, đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường theo Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam, hiện nay đang hoạt động bình thường, góp phần giải quyết tình trạng ùn đọng rác thải, gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống của nhân dân. Theo thông của lãnh đạo xã Tiến Lộc, cũng tại xã này, khi triển khai DA nước sạch và DA làng nghề tập trung, một số người dân cũng đã phản đối, ngăn cản. Nhưng cho đến nay, sau nhiều năm, khi cả hai DA này đi vào hoạt động đã cho thấy sự hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc nâng cao điều kiện sống, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

Trở lại với DA, hy vọng người dân sẽ có sự tiếp cận tích cực, phù hợp, tạo điều kiện cho chính quyền và nhà đầu tư có cơ hội cùng bà con trao đổi, trình bày, đối thoại. Qua đó, cùng nhau tháo gỡ, xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc để DA có thể từng bước được thực thi, đem lại chất lượng, điều kiện sống tốt hơn cho cộng đồng, trong đó có nhân dân Tiến Lộc. Thêm nữa, người dân có quyền bày tỏ ý kiến chưa đồng thuận, có quyền kiến nghị, nêu quan điểm của mình, có quyền đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình một cách phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bà con cũng cần tỉnh táo, không để mình bị lôi kéo, kích động bởi những người có động cơ không trong sáng (nếu có) để có những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật, để lại hậu quả đáng tiếc cho bản thân và gia đình.

Tác giả: Đào Nguyên

Nguồn tin: Báo Xây dựng

  Từ khóa: Hậu Lộc (Thanh Hóa)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok