“Nỗi lo” ô nhiễm từ rác thải nhựa
Thanh Hóa có 102km đường bờ biển, trong đó, bờ biển Hậu Lộc chiếm khoảng hơn 20km, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, khai thác nguồn lợi từ biển. Thế nhưng, các doanh nghiệp cũng như người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến môi trường biển. Thực tế cho thấy, tình trạng một số doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường biển, người dân vô tư đổ các loại rác như túi ni lông, chai nhựa...dùng một lần khó phân hủy ra biển vẫn còn tồn tại, dẫn đến các tác động tiêu cực đến môi trường biển.
Rác thải nhựa có mặt hầu hết ở các xã ven biển Hậu Lộc. |
Về vùng biển Ngư Lộc vào những ngày đầu tháng 8, giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, chúng tôi có dịp đi dọc bờ biển. Tại đây, rác thải đủ chủng loại nằm tràn lan khắp bờ biển. Các cơ sở thu mua, sơ chế hải sản hoạt động ngay khu vực bờ biển, nước thải đen kịt cùng với mùi hôi thối bốc lên tận mũi được xả thẳng ra biển, bầu không khí xung quanh cũng vì vậy trở nên ngột ngạt, ô nhiễm.
Tại rừng ngập mặn xã Đa Lộc, cả một khu rừng rộng lớn, khi thủy chiều rút dân, cũng là lúc tình trạng rác thải ven biển “hiện nguyên hình”. Từ túi nilong, vải công nghiệp, đến vỏ nhựa ‘chen chúc”, bám chặt lấy thân cây sú, cây vẹt, kìm hãm sự phát triển của chúng.
Túi nilong “đe dọa’ hệ sinh thái ven biển. |
Nhiều người dân cho biết: Nguyên nhân dọc bờ biển từ xã Ngư Lộc đến xã Đa Lộc có nhiều rác thải là do các tàu đánh bắt đổ xuống biển, khi thủy triều lên sóng cuốn rác dạt vào bờ. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn môi trường biển của nhiều hộ gia đình còn kém, họ sẵn sàng mang rác thải sinh hoạt của nhà mình đổ ra biển. Bởi vì, rác thải tập kết dọc đường để nhiều ngày chưa thu gom, vận chuyển kịp thời nên họ đổ ra đê biển cho khỏi hôi thối.
Nhiều giải pháp nhằm ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với tốc độ phát thải rác thải nhựa như hiện nay, vấn đề ô nhiễm đang từng ngày, từng giờ gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới môi trường như sói mòn đất, tàn phá hệ sinh thái, ngập úng, lụt lội, hủy hoại sinh vật, ô nhiễm môi trường, sức khỏe của con người cũng vì thế bị đe dọa.
Các hoạt động toàn dân dọn dẹp, xử lý rác thải nhựa cần được tổ chức thường xuyên. |
Theo khảo sát, ở Thanh Hóa ước tính trung bình một năm mỗi người sử dụng 35 kg sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Như vậy, trung bình một ngày, toàn tỉnh thải ra môi trường khoảng 345 tấn rác thải nhựa. Với khối lượng thải bỏ ngày càng lớn như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn cũng là điều dễ hiểu. Trong khi, ở vùng biển, nơi mà người dân chông chờ vào nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế, vậy tại sao đi đôi với việc khai thác, việc bảo vệ môi trường biển lại trở nên chây ì, thiếu trách nhiệm như vậy?.
Thời gian gần đây, việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” đang được chú trọng. Có thể nói, việc nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường phải đi đôi với trách nhiệm của các cấp, ngành và các tổ chức. Việc tuyên truyền cần phải khéo léo, khoa học, có như vậy nhân dân mới hiểu được tác hại của việc sử dụng đồ nhựa, túi nilon trong sinh hoạt. Khi nhận thức tốt sẽ kéo theo hành động tích cực, khi đó các sản phẩm thân thiện mới có cơ hội được sử dụng.
Bên cạnh đó, phải chú trọng việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. |
Hàng năm, xã Ngư Lộc đã tổ chức nhiều chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường dọc tuyến biển, làm sạch đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng. Trong tháng 7/2018, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ của xã phối hợp với hai thôn Thành Lập và Nam Vượng tiến hành thu gom, xử lý rác ở 2 cống qua tuyến đê biển, kết quả đã thu gom được 436 tấn rác thải nhựa và túi nilong.
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết: Tình trạng ô nhiễm từ rác thải nhựa dọc bờ biển Ngư Lộc vẫn còn tồn tại. Hiện nay, xã đang tăng cường công tác thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải các cụm dân cư và khu vực ven biển. Thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đổ rác thải, xả nước thải ra biển. Đồng thời, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường gắn liền với bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo.
Tác giả: Thu Thủy
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường