Du lịch

Hành trình đi bộ xuyên Việt 3000km chỉ với 15 triệu của 8x Hà Nội

Chuyến đi bộ từ cột cờ Lũng Cú đến đất Mũi Cà Mau của Hoàng Ngọc Lâm đã diễn ra cách đây 5 năm song mới đây, 8x này mới quyết định chia sẻ thông tin về hành trình đáng nhớ của mình.

Cách đây 5 năm, Hoàng Ngọc Lâm (SN 1989, Long Biên, Hà Nội) đã quyết định một mình thực hiện hành trình xuyên Việt dài 3000km từ cột cờ Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau. Chuyến đi bắt đầu từ tháng 10/2012 và kết thúc vào tháng 1/2013. Hành trình đi bộ dọc miền đất nước được Lâm chia làm 5 chặng nhỏ men theo những con lộ ven biển.

Khi cán đích Cà Mau, 8x này còn thực hiện chuyến quay ngược lại Hà Nội bằng xe Vespa cổ trong 16 ngày.

Dù chuyến đi diễn ra đã lâu, xong đến giờ với Lâm đây vẫn là một trải nghiệm đáng nhớ, cột mộc đánh dấu sự trưởng thành của tuổi trẻ.

Mới đây, sau nhiều năm, chàng trai trẻ đã quyết định chia sẻ thông tin về hành trình xuyên Việt của mình. Ngay lập tức, bài viết này đã nhận được hàng nghìn lượt like và bình luận. Rất nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ, nể phục ý chí và sự quyết tâm của chàng trai trẻ.

Chân dung của Hoàng Ngọc Lâm, người đã thực hiện chuyến đi trong 107 ngày từ Lũng Cú (Hà Giang) đến đất mũi Cà Mau

Hành trình 107 ngày đi bộ ròng rã…

Lâm cho biết, chuyến đi được Lâm thực hiện khá gấp gáp.Từ khi nảy ra ý tưởng đến khi bắt đầu đi chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 15 ngày.

Chia sẻ về lý do đi bộ xuyên Việt, Lâm nói: “Năm đó mình 23 tuổi, mình muốn đi để trải nghiệm, khám phá những cảnh đẹp, văn hóa của mọi miền đất nước. Hơn hết là mình muốn tìm hiểu giới hạn của bản thân, mình có thể làm được gì? Sức chịu đựng của mình đến đâu? Và đặc biệt, mình muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho tuổi trẻ”. Toàn bộ chi phí chuyến đi hết khoảng 15 triệu, đây là số tiền được Lâm dành dụm, tiết kiệm bằng chính công việc làm thêm của mình.

Chặng đầu tiên, Lâm xuất phát từ điểm cực Bắc Lũng Cú (Hà Giang) về Hà Nội. Đoạn đường dài 500km với những cung đường đèo hiểm trở, những vách núi tai mèo dựng đứng… được xem là khó khăn và nhiều thách thức nhất. Giữa tháng 10, giai đoạn chuyển mùa thời tiết ở vùng cao vô cùng khắc nghiệt, trong một ngày thời tiết có đến 4 mùa. Buổi sáng trời se lạnh, giữa trưa nắng gắt đến chiều tối và đêm lại lạnh buốt như mùa đông.

Lâm là một người yêu thích xê dịch và khá nổi tiếng trong cộng đồng du lịch phượt Việt Nam

Do không quen khí hậu nên có những chặng kéo dài quá xa, Lâm đã bị ngất xỉu, ngủ mê man bên vệ đường, dưới gốc cây. Thậm chí, đến ngày thứ 6 của cuộc hành trình, Lâm bị sốt, say nắng và kiệt sức. Chàng trai 8x này sau đó đã được một thầy giáo ở trường Tân Quang (Hà Giang) giúp đỡ và cho nghỉ ngơi nhờ trong căn phòng khoảng 15m2.

“Dù mới chỉ là lần đầu gặp mặt, song khi biết mục đích và hành trình chuyến xuyên Việt của mình, người thầy giáo ấy đã nhiệt tình giúp đỡ, chăm sóc. Anh ấy thậm chí còn nhường chăn màn và chiếc giường duy nhất cho mình nghỉ ngơi. Ở một vùng đất lạ, những con người không hề quen biết nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ khiến mình cảm thấy rất ấm lòng”, Lâm nhớ lại.

Chặng thứ nhất Lâm xuất phát từ cột cờ Lũng Cú đến Hà Nội dài khoảng 500km

Thế nhưng ám ảnh và để lại nhiều sợ hãi cho Lâm nhất là chặng đường gần cuối hành trình khi phải một mình đi bộ qua đường địa đạo Vĩnh Mốc về bãi biển Cửa Tùng (Quảng Trị). Nơi đây khá hoang sơ và được biết đến là một trong những tuyến đường máu lửa nhất thời chiến tranh với những con tàu không số đổ ập từ biển vào. Buổi tối, trời tối đen như mực, xung quanh không có nhà dân nên đến 12 giờ đêm, Lâm vẫn không tìm được một điểm nghỉ chân.

“Buổi tối trời se lạnh, mình gần như kiệt sức, bước chân ríu vào nhau. Cảm giác không thể đứng vững. Cả đoạn đường, mình phải bật tai nghe nhạc, rồi gọi điện nói chuyện với bạn chỉ để nghe tiếng người cho bớt hoang vu, sợ hãi. Đến nỗi chân vướng cỏ cũng không dám cúi xuống để gỡ vì sợ là rắn. May mắn đến gần 1h sáng, mình cũng đặt chân đến cột mốc Cửa Tùng. Lúc này mới hết sợ và thở phào nhẹ nhõm”, Lâm nhớ lại.

Chàng trai trẻ phải đeo trên vai 15kg hành lý và phải di chuyển từ 30 - 50km mỗi ngày

Bước chân rớm máu và những điều đọng lại

Sau nhiều ngày đi bộ ròng rã, cuối cùng ngày 8/1/2013, Hoàng Ngọc Lâm cũng đạt được ước mơ cán đích Cà Mau, điểm cực Nam của đất nước.

Trong suốt 107 ngày đi bộ xuyên Việt chàng trai trẻ đã trải qua không ít những khó khăn, vất vả. Đó là những lần nắng cháy gắt đến bỏng da, ngất xỉu giữa đường. Là những lần chân phồng rộp, đau rát đến rớm máu vì đi bộ quá nhiều. Không biết bao nhiêu lần, Lâm có ý định bỏ cuộc giữa đường, dừng chuyến đi. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả 8x này vẫn hoàn thành chuyến xuyên Việt đáng nhớ với hành trình được ví như “bước chân vạn dặm”.

Chuyến đi đã giúp Lâm trưởng thành và có cơ hội khám phá vẻ đẹp của mọi miền đất nước.

Trên cuộc hành trình ròng rã ấy, điều đọng lại trong Lâm chính là tình cảm ấm nồng của những con người xa lạ trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều người chủ quán cơm ven đường sẵn sàng mời Lâm dùng bữa như cách động viên, ủng hộ ý chí của chàng trai trẻ. Rồi cả những người lạ nhiệt tình cho chàng trai trẻ mượn xe máy đi mua đồ ăn ở đèo Vĩnh Khánh, là tình cảm chất phác của các mẹ, các chị miền Tây.

Khi quay về Hà Nội, Lâm thực hiện chuyến đi bằng xe máy trong 16 ngày

Đó còn là vẻ đẹp mờ ảo của núi rừng Tây Bắc, là vẻ hoang sơ hùng vĩ của đèo Khánh Vĩnh (Nha Trang) hay cả những trải nghiệm không thể quên ở vùng đất cát trắng Mũi Né, đồi thông Đà Lạt… Những cung đường ven biển đẹp như một bức tranh cũng nhiều lần khiến chàng trai trẻ cảm thấy choáng ngợp.

Hành trình của Lâm không chỉ là việc chinh phục đích đến cuối cùng mà quan trọng là ở mỗi nơi anh đi qua đều học hỏi, lĩnh hội được những đều mới mẻ, thú vị khắp miền tổ quốc.

“Những ngày đi bộ, mình học được cách quan sát cuộc sống và hiểu được giá trị của tình người, sự giúp đỡ, san sẻ lẫn nhau trong khó khăn. Hơn hết mình có thêm rất nhiều người bạn, người anh, người chị thân tình. Đó có lẽ là những điều mà không tiền bạc nào có thể đong đếm. Chuyến đi đã thực sự giúp tôi trưởng thành”, Lâm chia sẻ.

Tác giả: Hà Trang

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: xuyên Việt , đi bộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok