Trong tỉnh

Hàng trăm hộ dân thấp thỏm trước “miệng hà bá”

Sau trận lụt lịch sử tháng 10/2017, ven bờ sông Chu thuộc ba thôn Đại Đồng, Quảng Phúc và Hiệp Lực (xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện hàng trăm hộ dân tại đây đang phải sống trong thấp thỏm, lo âu bởi sạt lở đang ngày một tiến sâu hơn vào các công trình dân sinh.

Ông Thanh chỉ về khoảng đất sau vườn bị sạt lở. Ảnh: PV

Sống trong lo âu

Theo thống kê của chính quyền xã Xuân Thiên cho biết, trên toàn xã có 110 hộ sống dọc bên bờ sông Chu bị ảnh hưởng bởi sạt lở trong đợt lụt năm 2017. Trong đó có 24 hộ bị sạt lở đến tận chân các công trình dân sinh, 12 hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Qua khảo sát cho thấy nhiều điểm sạt đã sâu vào phía khu dân cư khoảng 20m, hiện có một số điểm vẫn đang tiếp tục sạt vì triền sông ở đây là đất cát pha nên nền đất rất yếu.

Đi dọc bờ sông thuộc ba thôn Đại Đồng, Quảng Phúc và Hiệp Lực, chúng tôi nhận thấy có hàng trăm hộ dân hiện đang sinh sống bên mép bờ sông. Tại đây hiện có hàng chục điểm sạt lở, có nơi nước đã ăn sâu vào 15m và dài tới 300m. Ông Cao Văn Thanh (một trong những hộ dân có đất bị sạt lở nhiều nhất xã) cho biết: “ Hồi trước lũ nhà tôi còn cách vườn tới hơn 15m, nay thì bờ sông nằm ngay sát chân tường nhà. Những luỹ tre giữ làng, giữ đất của thôn Quảng Phúc bị lũ cuốn trôi đi hết. Nơi trước từng là đất canh tác, trồng cây ăn quả thì giờ đã nằm gọn dưới lòng sông. Từ mép chân công trình nhìn thỏm xuống sông sâu hơn chục mét, nếu không được xây kè sông thì nếu có lụt chắc chắn những hộ gia đình sống ven sông như chúng tôi sẽ bị cuốn trôi xuống sông Chu hết”.

Ngay bên cạnh nhà ông Thanh là gia đình bà Phạm Thị Ban (67 tuổi, có nhà bị sạt lở tới tận chân móng). Bà Ban cho biết, trước đây khoảng vườn phía sau của gia đình rộng hàng trăm mét vuông dùng để canh tác hoa màu, trồng nhiều loại cây lâu năm, nhưng trong đợt lũ năm ngoái, ruộng vườn cùng cây cối bị nước lũ cuốn trôi hết. "May mà nhà chưa trôi, chứ trôi thì cũng không biết gia đình ở đâu nữa. hiện gia đình tôi luôn sống trong sự lo lắng, bất an. Những đêm mưa gió, tôi ngủ không yên, cứ lo bãi sông sạt thêm thì rất nguy hiểm. Gia đình có 8 nhân khẩu nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, người con trai và con dâu còn khỏe mạnh đã đi làm ăn tận Bắc Ninh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cộng với chưa có tiền mua đất ở nơi ở mới nên bất đắc dĩ. Hiện vợ chồng tôi và 2 cháu nhỏ đang phải sống trong ngôi nhà cũ này. Bây giờ chúng tôi chỉ có nguyện vọng là muốn được tái định cư đi nơi khác, rất mong các cấp chính quyền sớm hỗ trợ tới nơi ở mới”, bà Ban chia sẻ.

Không chỉ gia đình bà Ban mà còn nhiều hộ khác cũng có cùng chung nguyện vọng được di dời khỏi khu vực sạt lở. Ông Thanh (ở thôn Quảng Phúc) mong mỏi: “Gia đình chúng tôi chỉ mong được cấp trên tạo điều kiện để di dời tới nơi ở mới, chứ sống kiểu “thân treo miệng hà bá” thế này thì lo lắm. Nhiều đêm tôi không ngủ được, chỉ sợ nhỡ đâu đất sạt nữa thì không biết chạy đường nào cho thoát. Rất mong phía chính quyền địa phương sớm tạo điều kiện cho những hộ như chúng tôi sớm được vào nơi định cư mới để ổn định cuộc sống”.

Cần di dời khẩn cấp

Thống kê của UBND xã Xuân Thiên cho thấy, số hộ sát sông bị ảnh hưởng thuộc các thôn Hiệp Lực, Đại Đồng và Quảng Phúc cần được tái định cư là 25 hộ, với tổng số 90 nhân khẩu. Trong đó 12 hộ với gần 50 nhân khẩu trong diện cần phải di dời khẩn cấp trước mùa mưa bão sắp tới. Một thực tế là đoạn sông Chu chảy qua địa bàn Huyện Thọ Xuân cũng như xã Xuân thiên không có bờ kè, có hàng trăm nhà dân ở san sát ven sông từ nhiều đời nay. Phần diện tích đất bị sạt xuống sông phần lớn là đất thổ cư hoặc đất vườn của các hộ.

Không những tình trạng sạt lở ở các hộ dân sống ven sông mà tình trạng sạt lở ngày càng ăn sâu tạo thành “hàm ếch” ngay dưới lòng đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và các hộ dân sống ven sông. Bà Nguyễn Thị Giao (ở thôn Quảng Phúc) lo lắng: “Hiện nhiều tuyến đường bê tông chạy bên bờ sông Chu cũng đã bị sạt lở nghiêm trọng, khiến việc đi lại của chúng tôi rất nguy hiểm. Ban ngày đi còn nhìn rõ, chứ đêm tối có việc qua đây, sơ xảy là rơi xuống sông ngay”.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Duy Đào - Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên cho biết, trước năm 2017, trên bờ sông Chu (chảy qua địa phận xã Xuân Thiên) đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nhưng mức độ không đáng kể. Mãi tới mùa mưa lũ tháng 10/2017 thì mức độ sạt lở nghiêm trọng hơn, nhiều điểm sạt lở làm hư hại nhà dân, kéo theo các công trình dân sinh và đất đai xuống sông. Để khắc phục, chính quyền địa phương phải triển khai lực lượng giúp 24 hộ dân ven sông trong khu vực sạt lở nguy hiểm di dời tạm đến những gia đình họ hàng hoặc những hộ khác trên địa bàn xã nhằm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, sau khi nước sông rút thì các hộ đã trở về nhà mình. Tình trạng hiện tại là rất nguy hiểm, nó có thể ảnh hưởng về tài sản, thiệt hại về người bất cứ khi nào. "Để giúp dân, UBND xã đã có tờ trình gửi UBND huyện Thọ Xuân cũng như các ban ngành liên quan sớm giúp địa phương về cơ chế, quy hoạch, cắt đất tái định cư, hỗ trợ di dời đối với các hộ trong vùng nguy hiểm. Thực tế, nhiều gia đình có thu nhập thấp, nếu được chuyển đi cũng không đủ tiền xây dựng nhà mới nên rất cần có sự hỗ trợ, chung tay ủng hộ của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân".

Ông Nguyễn Duy Đào - Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên cho biết: "Hiện có 12 hộ dân cần được di dời khẩn cấp, có 2 hộ làm nghề chài lưới nên có nguyện vọng được xen cư tại chỗ. Những hộ còn lại, UBND xã đã đưa ra phương án cho tái định cư ở khu vực Đồng Cổ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phương án và được UBND xã đề xuất với cấp trên. Toàn bộ kinh phí, chủ trương, việc cấp đất, xây dựng khu tái định cư đều vượt khả năng của UBND xã Xuân Thiên", ông Đào chia sẻ.

Tác giả: Ngọc Hưng – Huy Hoàng

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: Hàng trăm hộ dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok