Giáo dục

Hàng nghìn sinh viên sư phạm ở Thanh Hóa chưa được nhận tiền hỗ trợ

Hàng nghìn sinh viên sư phạm (SVSP) ở 2 trường đại học của tỉnh Thanh Hóa chưa được nhận tiền hỗ trợ học tập (kỳ 2, năm học 2022 - 2023).

Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) hiện có hàng nghìn SVSP theo diện hưởng Nghị định 116 chưa được nhận tiền hỗ trợ của học kỳ 2, năm 2023.

Sinh viên mong mỏi chế độ

Hà Thị Trà My là sinh viên lớp giáo dục mầm non (K11D), Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Gia đình Trà My thuộc diện hộ cận nghèo ở xã Lũng Cao, huyện Bá Thước.

Ước mơ của Trà My là được làm cô giáo mầm non để được nuôi dạy, chăm sóc các em nhỏ.

“Khi đỗ vào Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, em cũng như các bạn khác cùng khóa thuộc diện sinh viên ngành Sư phạm Mầm non được hỗ trợ kinh phí học tập, sinh hoạt theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Thế nhưng, từ khi nhập học (tháng 10/2022), đến hết tháng 12/2022, chúng em mới được nhận được số tiền 10,8 triệu đồng (3 tháng). Từ đó đến nay, chúng em chưa được nhận thêm bất kỳ khoản tiền nào theo Nghị định 116.

Chúng em cũng có thắc mắc, nhưng đều nhận được thông tin là tỉnh chưa cấp tiền về cho nhà trường để phát cho chúng em”, Trà My thông tin.

Trà My cho biết, những ngày học ở Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, sau buổi học em thường tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ.

“Hằng ngày, sau giờ lên lớp, em xin đi làm thêm từ 17h đến 22h, ở quán ăn. Mỗi tháng, em kiếm thêm được 3 triệu đồng để trả tiền ở trọ và ăn, uống tiêu pha hằng ngày. Chúng em rất mong muốn sớm được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước để trang trải sinh hoạt, yên tâm học tập”, Trà My bày tỏ.

Cùng trường với Trà My, Thao Thị Cú, lớp đại học giáo dục mầm non (K11C) là người dân tộc Mông, nhà ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa), cho biết, sau khi vào nhập học (tháng 10/2022), đến tháng 12/2022, Cú nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 116, với tổng số tiền 10,8 triệu đồng.

Nhưng từ đó đến khi kết thúc năm học thứ nhất, Cú cũng như các sinh viên khác đều chưa được nhận thêm khoản tiền trợ cấp này.

Gia đình em Thao Thị Cú thuộc diện hộ cận nghèo. Nữ sinh này là con út trong gia đình có 4 anh, chị em.

“2 chị gái của em đã đi lấy chồng, có gia đình riêng, anh trai cả đi làm ăn xa. Bố, mẹ em hằng ngày ở nhà làm nương, làm rẫy. Em ước mơ được trở thành cô giáo mầm non để chăm sóc, nuôi dạy các em bé ở quê mình. Vì thế, em quyết tâm đi học và xét tuyển vào Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa”, nữ sinh tâm sự.

Theo nữ sinh này, từ đầu năm 2023, do không nhận được tiền trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, nên em xin đi làm thêm sau mỗi buổi lên giảng đường, để kiếm thêm tiền chi tiêu cho việc ăn học.

“Gia đình em khó khăn lắm, không có tiền cho em ăn học, nên bố bảo em thôi đừng theo học nữa. Thế nhưng, em nói với bố là, con có thể tự lo cho mình được, bố, mẹ ở nhà không phải lo lắng nhiều. Vì vậy, em xin đi làm thêm ở quán bán nước giải khát, kiếm thêm mỗi buổi vài chục nghìn để chi tiêu hằng ngày và trả tiền thuê trọ hơn 300 nghìn đồng/tháng. Em rất mong Nhà nước sớm cấp khoản tiền hỗ trợ theo Nghị định 116, để chúng em yên tâm học tập”, Thao Thị Cú chia sẻ.

Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Bộ GD&ĐT.

Vì sao chưa cấp chế độ cho sinh viên?

Làm việc với Báo GD&TĐ, ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) - cho biết, liên quan vấn đề cấp tiền hỗ trợ theo Nghị định 116/NĐ-CP cho SVSP, đến thời điểm này, nhà trường chưa được tỉnh Thanh Hóa cấp tiền về, để đơn vị chi trả cho sinh viên (kỳ 2, năm học 2022 - 2023).

“Chúng tôi cũng đã có thông báo cho tất cả SVSP thuộc diện hưởng theo Nghị định 116 là hiện trường chưa nhận được tiền cấp về, nên chưa chi trả cho sinh viên. Khi nào nhận được khoản tiền này, nhà trường sẽ chi trả cho các em ngay”, ông Dũng khẳng định.

Cũng theo ông Dũng, có thể nguồn kinh phí chi trả cho SVSP hưởng theo Nghị định 116 ở tỉnh Thanh Hóa là rất lớn. Do đó, tỉnh chưa cân đối được nguồn tiền này để chi trả kịp thời cho sinh viên.

Nhà trường cũng rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng bao giờ cấp tiền về để chi trả cho sinh viên, nhà trường vẫn phải chờ đợi các cơ quan liên quan.

Trả lời PV Báo GD&TĐ, đại diện Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho rằng, liên quan đến vấn đề cấp kinh phí để chi trả cho SVSP theo Nghị định 116, đang gặp nhiều vướng mắc, vì nguồn kinh phí để chi trả này rất lớn.

Do đó, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT đề nghị hỗ trợ phần kinh phí này.

Ngày 20/6/2023, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn trả lời kiến nghị thực hiện chính sách đối với SVSP theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Công văn nêu: “Theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước tại Luật Ngân sách Nhà nước, kinh phí hỗ trợ Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho SVSP tại các cơ sở đào tạo thuộc địa phương quản lý do các địa phương tự đảm bảo.

Trường hợp địa phương khó khăn chưa cân đối được kinh phí thì báo cáo Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí cho địa phương theo quy định ”.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn, trả lời.

Cũng theo đại diện Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, tỉnh này chưa cân đối được nguồn đảm bảo để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SVSP theo quy định tại Nghị định 116 trên địa bàn tỉnh.

Ngày 31/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ GD&ĐT báo cáo Thủ tướng xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện đào tạo SVSP theo Nghị định 116, với tổng số kinh phí 87,281 tỉ đồng, để cấp bù cho 2.945 SVSP (năm 2021 và năm 2022).

Tác giả: Thế Lượng

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok