Giáo dục

Điểm danh những ngành ít sinh viên muốn học nhất 3 năm qua

Theo Bộ GD&ĐT, có 4 lĩnh vực, gồm nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học tự nhiên, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống tuyển sinh kém nhất.

Những ngành ít sinh viên muốn học nhất

Theo báo cáo về tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm của Bộ GD&ĐT, năm 2022 có 521.263 thí sinh nhập học đại học, đạt tỉ lệ 83,39%, cao hơn số nhập học năm 2020 và 2021.

Trong số 330 cơ sở đào tạo có 194 cơ sở đào tạo (chiếm tỉ lệ 58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.

Trong đó, các thí sinh trúng tuyển các ngành lĩnh vực kinh doanh và quản lý nhiều nhất, với 24,55%. Tiếp theo là số thí sinh nhập học lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, với 11,79%.

Các lĩnh vực, như: Công nghệ kỹ thuật, nhân văn, sức khoẻ, khoa học xã hội và hành vi có số thí sinh nhập học tương đối cao.

Nằm trong top 10 lĩnh vực tuyển sinh tốt nhất còn có các lĩnh vực: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ đại học, kỹ thuật, pháp luật, kiến trúc, xây dựng.

Đặc biệt, theo Bộ GD&ĐT, có 4 lĩnh vực, gồm nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học tự nhiên, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống tuyển sinh kém nhất. Mỗi năm, những lĩnh vực này chỉ tuyển được gần được phân nửa số chỉ tiêu đặt ra.

Số liệu về 4 lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Địa phương nào có thí sinh vào đại học cao nhất cả nước

Sáng nay 3/3 tại Hội nghị tuyển sinh 2023 do Bộ GD&ĐT, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo về kết quả công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, triển khai công tác tuyển sinh năm 2023.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, mặt bằng chung tỷ lệ thí sinh nhập học vào các trường đại học năm 2022 của cả nước là 48,09%. Nghĩa là cứ 100 em tốt nghiệp THPT năm 2022 thì có 48 em xác nhận nhập học đại học. Cả nước chỉ có 24 địa phương nằm ở mức mặt bằng chung trở lên.

5 địa phương có tỷ lệ vào đại học cao nhất, lần lượt là Bình Dương (67,42%), Thừa Thiên - Huế (62,57%), Đà Nẵng (61,88%), Khánh Hòa (60,76%), TP.HCM (60,74%).

Trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu danh sách không có địa phương nào thuộc vùng đồng bằng sông Hồng - khu vực vẫn được xem là mặt bằng giáo dục phổ thông cao, đời sống kinh tế - xã hội của người dân nhìn chung không khó khăn bằng nhiều khu vực khác.

Trong top 10 địa phương dẫn đầu còn có Hải Phòng (58,25%), Phú Yên (57,10%), Hà Nội (56,81%), Bắc Ninh (56,12%), Hưng Yên (56,02%).

Địa phương nào có thí sinh vào đại học thấp nhất cả nước

10 địa phương thấp nhất cả nước (dưới 30%) đều thuộc khu vực trung du và miền núi phía bắc, gồm: Quảng Bình (30,72%), Yên Bái (29,36%), Tuyên Quang (28,8%), Hòa Bình (28,54%), Điện Biên (27,46%), Cao Bằng (24,92%), Lạng Sơn (24,87%), Sơn La (23,66%), Hà Giang (21,53%) và Lai Châu (20,39%).

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học đã công bố một số phương thức xét tuyển đại học có tỉ lệ nhập học dưới 1%.Cụ thể các phương thức như sau: Thi văn hóa do CSĐT tổ chức để xét tuyển: 0,50%; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển: 0,25%; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển: 0,27%; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển: 0,13%; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển: 0,26%; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển: 0,50%; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển: 0,01%. Và thấp nhất là phương thức xét tuyển qua phỏng vấn với tỷ lệ thí sinh nhập học là 0,00%,

Bộ GD&ĐT lưu ý, cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; loại bỏ những phương thức xét tuyển không hiệu quả, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chi tiết các mốc thời gian dự kiến trong tuyển sinh đại học năm 2023

- Trước khi công bố Đề án tuyển sinh: Ban hành và công khai quy chế tuyển sinh cho các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

- Trước ít nhất 30 ngày khi thí sinh đăng ký dự tuyển: Công bố đề án tuyển sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo

- Ngày 31/3: Hoàn thành việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên; Hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành trên hệ thống HEMIS phục vụ công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023.

- Ngày 15/6: Hoàn thành tập huấn quy chế, ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh; Hoàn thành chạy thử, tập huấn phần mềm Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (Hệ thống); Hoàn thành viêc cập nhật thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo vào Hệ thống (trang Nghiệp vụ).

- Từ ngày 30/5 đến 17h ngày 20/6: Rà soát kết quả điểm học tập cấp THPT (học bạ) trên Hệ thống.

- Ngày 30/6: Hoàn thành việc tập huấn công tác tuyển sinh tại các địa phương.

- Từ ngày 1/7 đến ngày 4/7: Tổ chức chạy thử thực hành việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí dịch vụ tuyển sinh (lệ phí xét tuyển) trên Hệ thống.

- Từ ngày thí sinh đăng ký dự thi THPT đến 17h ngày 25/7: Rà soát, sửa sai, xác nhận thông tin chế độ ưu tiên của thí sinh; Hoàn thành cập nhật kết quả sơ tuyển, kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt, độc lập, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có) kết quả thi các môn năng khiếu.

- Ngày 30/7: Hoàn thành việc chạy thử, tập huấn công tác xử lý nguyện vọng ĐKXT.

- Từ ngày thí sinh đăng ký dự thi THPT đến ngày 30/10: Tổ chức trực hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 theo phương thức trực tuyến.

- 17h ngày 30/6: Hoàn thành nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các cơ sở đào tạo.

- Ngày 5/7: Hoàn thành việc xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh. Cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển xét tuyển thẳng lên Hệ thống.

- Từ ngày 5/7 đến 17h ngày 15/8: Hoàn thành xét tuyển thẳng. Xác nhận nhập học trên Hệ thống (nếu có).

- 17h ngày 4/7: Hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên Hệ thống. Cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên Hệ thống.

- Từ ngày 5/7 đến ngày 11/7: Cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp THPT, trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển trên Hệ thống.

- Từ ngày 5/7 đến 17h ngày 25/7: Đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định.

- Ngày 20/7: Công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

- 17h ngày 22/7: Hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Hệ thống và trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).

- Từ ngày 26/7 đến 17h ngày 5/8: Nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

- Từ ngày 9/8 đến 17h ngày 12/8: Tải dữ liệu, thông tin xét tuyển; điểm thi tốt nghiệp THPT; kết quả học tập cấp THPT trên Hệ thống; điểm các kỳ thi (nếu có); Tổ chức xét tuyển.

- Từ 9/8 đến 17h ngày 12/8: Xử lý nguyện vọng trên Hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.

- 17h ngày 14/8: Hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

- 17h ngày 30/8: Hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.

- Từ ngày 1/9: Thông báo tuyển sinh đợt bổ sung.

- Từ tháng 10 đến tháng 12: Xét tuyển các đợt tiếp theo và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyến và nhập học theo quy định.

- Ngày 31/12: Hoàn thành báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2023.

- Điểm tiếp nhận: Do sở giáo dục và đào tạo quy định trên địa bàn.

Tác giả: Trúc Chi

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: Bộ GD&ĐT , tuyển sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok