Trong tỉnh

Hàng chục hộ dân dùng nước nhiễm xăng suốt 40 năm

Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, thế nhưng ngôi làng Yên Ninh, xã Công Bình (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) vẫn sử dụng nguồn nước nhiễm xăng suốt hơn 40 năm qua. Thay vào việc đợi chờ một dự án nước sạch nào đó được đầu tư, họ đã chủ động “oằn mình” gánh những thùng nước sạch từ những khu vực xung quanh hay chắt chiu giọt nước từ những cơn mưa hiếm hoi.

Dùng nước nhiễm xăng vào người sốt 40 năm

Đó là tình cảnh éo le của gần 40 hộ dân thuộc thôn Yên Ninh, xã Công Bình (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) suốt 40 năm qua, không lấy gì lạ lẫm khi toàn bộ các hộ ở đây đều không có giếng, thay vào đó là những bể nước được xây càng lớn càng tốt nhằm mục đích làm sao cho chưa nhiều nước mưa nhất có thể.

Thùng phuy đựng nước từ một gia đình bỏ hoang, họ đã di rời khỏi thôn Yên Ninh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi: Thời chiến tranh chống Mỹ, đồi K6 được xem là trạm trung chuyển xăng dầu thuộc thôn Yên Ninh, xã Công Bình. Trong những năm chiến tranh ác liệt thì đồi K6 được xem là tọa độ để giặc Mỹ đánh phá, thả bom, đây cũng là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn khối xăng, dầu rò rỉ và ngấm sâu vào lòng đất, khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Xuân Thủy (thôn Yên Ninh), chia sẻ: Sống ở thôn này suốt hơn 20 năm qua, không ít lần gia đình tôi đã thử đào giếng để mong có nước sinh hoạt, nhưng lần nào đào khi bơm nước lên đều có mùi xăng rất khó chịu, thậm chí dùng lửa đốt cũng cháy. Ban đầu chưa có nước sạch, vợ chồng đành phải gánh nước ở làng bên, hễ chỗ nào có nước sạch là đi xin, sau này khi điều kiện kinh tế khá giả, xây được căn nhà, tôi đã xây bể thật lớn để hứng nước mưa, lấy cái ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Nguồn nước mưa chúng tôi chứa được phải sử dụng thật tiết kiệm, chẳng hạn như rửa rau xong nước đó được tích lại để giặt giũ.

Việc xây bể nước chỉ là giải pháp tạm thời, vấn đề bền vừng và hiệu quả phải chăng là một dự án nước sạch hay việc di rời toàn bộ gần 40 hộ dân ra khỏi khu vực nước ô nhiễm.

Cùng hoàn cảnh với anh Thủy, bà Nguyễn Thị Sen (67 tuổi, thôn Yên Ninh), cho hay: Tôi sống ở đây rất lâu rồi, nguyên nhân toàn bộ nước sinh hoạt ở thôn này nhiễm xăng là do toàn bộ téc và đường ống ngầm bị bom Mỹ đánh phá, đa số người dân ở đây đều có bể nước để chứa nước mưa, nhưng nếu hạn hán thì đánh chấp nhận sử dụng nguồn nước nhiễm xăng, nhưng phải đào ở nơi cao, chứ càng đào sâu xuống ở khu vực đồi K6 thì nghe mùi xăng càng nặng. Rất mong chính quyền và các ban ngành nhanh chóng có giải pháp cung cấp nước sách, để cuộc sống của chúng tôi được đảm bảo.

Hỏi thêm về việc, tại sao trong thôn có nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, bà Sen nhanh chóng trả lời thêm: Đó là các hộ dân do không chịu nổi cảnh sử dụng nguồn nước ô nhiễm nên đã bỏ nhà đi nơi khác sinh sống, từ lâu rồi không thấy họ quay về, trước cả thôn có gần 100 hộ dân, nhưng giờ chỉ còn lại gần 40 hộ.

Bế tắc về giải pháp

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, nguồn nước tại thôn Yên Ninh, xã Công Bình, huyện Nông Cống có váng dầu và mùi xăng, qua phân tích dầu mỡ khoáng trong nước giếng khoan cho thấy vuượt quy chuẩn cho phép 2,62 lần, tức là không đủ tiêu chuẩn sử dụng làm nguồn nước sinh hoat.

Qua tìm hiểu của PV từ phía người dân, trong nhiều năm qua đã có rất nhiều văn bản và các đoàn khảo sát từ huyện tới tỉnh. Dạo một vòng quanh khu vực đồi K6, mùi xăng bốc lên từ phía mặt đất nồng nặc, khó ngửi, ấy thế mà gần 40 hộ dân thuộc thôn Yên Ninh suốt 40 năm qua vẫn sống trong cảnh ô nhiễm về nguồn nước và cũng từng ấy năm họ mòn mỏi đợi chờ những câu trả lời thiết thực từ phía cơ quan chức năng.

Khu vực ruộng của thôn Yên Ninh, nơi mà có nguồn nước chảy ra cùng váng dầu màu đỏ.

Ông Đinh Xuân Dùng - Chủ tịch UBND xã Công Bình, cho biết: Tình trạng nước nhiễm xăng, dầu thuộc thôn Yên Ninh là có thật, nguyên nhân được xác định là sự rò rỉ của kho chứa xăng nằm dưới lòng đất của đồi K6. Hiện nay thôn Yên Ninh còn gần 40 hộ đang sinh sống, trong đó có gần 10 hộ là chịu ảnh hưởng nặng bởi nguồn nước ô nhiễm, phía chính quyền đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh để các đoàn về kiểm tra,đo đạc. Phương án đầu tư dự án nước sạch để cấp nước thì chi phí khá lớn, thay bằng việc đó sử dụng nguồn ngân sách để tiến hành di rời các hộ dân khỏi vùng bị ảnh hưởng.

Thực tế cho thấy, nhiều đoàn khảo sát từ huyện và tỉnh đã tiến hành kiểm tra, thế nhưng câu trả lời thỏa đáng vẫn chưa có. Có lẽ ngay lúc này một cơn mưa mang cho gần 40 hộ dân thôn Yên Ninh nguồn nước từ “lộc trời” lại hay hơn là việc có đoàn khảo sát nào đó lại về kiểm tra, kiểm tra nhiều là thế nhưng một câu trả lời thỏa đáng thì đến nay họ vẫn chưa nhận được.

Tác giả: Tuyết Trang- Đức Duy

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok