Có mặt tại khối 19, phường Hưng Bình, theo quan sát của chúng tôi, đường dây điện chạy xiết qua khu dân cư. Trên đường đi, có điểm dây điện đi ngay trên nóc nhà và sát vách tường của nhiều hộ dân. Thực tế này đã ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Đình Tuần, trú tại khối 19 bức xúc: “7 con người ở 3 thế hệ khác nhau chui ra chui vào trong một căn nhà cấp bốn nên rất bất tiện. Con cháu nó sinh hoạt khác tụi già chúng tôi nên gia đình muốn xây dựng thềm tầng nữa cho chúng ở nhưng không được vì vướng phải đường điện trên nóc nhà. Ở đây người già, trẻ nhỏ đều có nên ai cũng nơm nớp lo sợ và mong muốn các cấp, ngành sớm giải quyết triệt để vấn đề này”.
Đường điện vắt qua ngay sát nóc nhà dân.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Văn Đường (58 tuổi) cũng “dở khóc, dở cười” vì đường điện trên nóc nhà: “Nhà cấp 4 của tôi được xây dựng từ lâu, đã chật chội với 6 thành viên ở 3 thế hệ. Nay gia đình muốn cải tạo, xây lên tầng nhưng không được cũng vì đường điện vắt ngang qua”.
Đó cũng là thực trạng chung của 18 hộ dân ở các tổ 2, 7, 8, 9 thuộc khối 19, phường Hưng Bình.
Tình trạng trên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn điện và thực tế đã có những vụ việc không may xảy ra. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng ông Lê Yên, ở tổ 9 vẫn nhớ như in ngày “tử thần” bắt hụt. Vào năm 2005, ông leo lên giàn giáo để da trét phần vách nhà thì bị điện giật nhưng may mắn, ông ngã xuống đúng vào giàn giáo nên chỉ bị thương nhẹ.
Tương tự, một người thợ nề cũng “chết hụt” khi lợp ngói nhà ông Tuần. “Khi lợp ngói, tôi đã dặn đi dặn lại thợ là chỉ được bò để lợp. Nhưng vì bò nhiều mỏi lưng nên một người thợ đã đứng dậy và bị điện giật ngã. May mắn, khi ngã người thợ đó đã vớ được một cái đinh dùng để lợp mái bê rô xi măng nên thoát chết”, ông Tuần nhớ lại.
Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương về thực trạng điện đi qua nhà gây nguy hiểm nhưng đều vô vọng.
Theo các hộ dân nơi đây, thực trạng này đã được phản ánh từ nhiều năm, ngành chức năng cũng đã cho thợ về khắc phục nhưng chỉ mang tính tạm thời. Lần thứ nhất, ngành điện về cho nâng cột điện cao lên; Lần thứ 2 ngành điện cho bọc cao su bên ngoài dây điện, nhưng bọc không hết dây trần.
Ông Hồ Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Bình cho hay: “Phần đất của những hộ dân này thuộc đất tập thể của nhà máy bánh kẹo Vinh, được cấp từ những năm 1989, 1990. Sau đó, khu đất đã được quy hoạch là đất ở và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc người dân mong muốn di dời đường điện ra khỏi khu dân cư là chính đáng nhưng phường không đủ khả năng làm được việc đó. Chúng tôi đã báo cáo lên cấp thành phố và có kiến nghị với ngành điện lực”.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Nga – Giám đốc Điện lực TP Vinh lại cho hay: “Đường điện đi qua khối 19, phường Hưng Bình là đường dây trung thế. Nó có trước nhà dân. Việc người dân xây dựng nhà lên đó là vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Giờ muốn di dời thì người dân hoặc chính quyền địa phương tự bỏ kinh phí mà di dời”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Giám đốc kỹ thuật và ông Trần Đức Dũng – Phó Phòng Kỹ thuật, thuộc Công ty điện lực Nghệ An cũng cho hay: Đường điện này có từ những năm 50 của thế kỷ trước, lúc đó ở đó là đồng ruộng. Về mặt nguyên tắc, khi quy hoạch thì chính quyền địa phương phải di dời những cột điện ra ngoài rồi bàn giao mặt bằng sạch cho người dân. Ở đây, chính quyền đã giao đất cho người dân nhưng chưa di dời cột điện ra ngoài, sai sót này thuộc về chính quyền không phải của nghành điện. Hiện việc di dời là rất khó vì không có nguồn ngân sách. Nếu người dân hoặc chính quyền bỏ kinh phí thì điện lực sẽ hỗ trợ kỹ thuật để di dời.
Tác giả bài viết: Ngọc Tuấn