Trong tỉnh

Hải sản được giá, ngư dân Thanh Hóa hối hả ra khơi

Trong những ngày đầu Xuân năm mới, trong khi hàng nghìn tàu cá công suất lớn ở các vùng biển Thanh Hóa đang “nằm bờ” nghỉ Tết thì các tàu thuyền, bè mảng công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ đã lần lượt ra khơi để khai thác hải sản.

Thời điểm này giá thành các loại hải sản đang giữ ở mức cao nên ngư dân rất phấn khởi. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN


Tại các xã ven biển Hoàng Trường, Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa), trong 2 ngày mồng 4, mồng 5 Tết Nguyên đán (tức ngày 25-26/1) có gần 200 bè mảng của ngư dân đã chính thức “mở biển”, mang về lưới nặng cá, tôm cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống cho thị trường.

Ngư dân Nguyễn Văn Tùng ở thôn Tây Xuân Vi, xã Hoằng Thanh cho biết: “4 giờ sáng, 2 vợ chồng tôi bắt đầu chuẩn bị ngư lưới cụ lên bè mảng để ra biển đánh bắt. Sau 4-5 tiếng đồng hồ sẽ quay về bờ để kịp phiên chợ cá buổi sáng. Như sáng hôm nay mồng 5 Tết, lưới của tôi thu được 4 kg cá khoai và vài mớ tôm tít, sau khi trừ chi phí cũng thu về hơn 2 triệu đồng nên gia đình rất phấn khởi với lộc biển đầu năm mới”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Long, thôn 7, xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi những ngày đầu Xuân để bám biển đánh bắt các loại hải sản.

“Mỗi chuyến biển, bè nhà tôi mang theo khoảng 30 kg lưới để đánh bắt. Bè mảng nhỏ lại đánh bắt cách bờ 4-5 hải lý nên chỉ tốn khoảng 100.000-150.000 đồng tiền dầu. Chỉ cần đánh bắt được vài kg cá khoai, tôm tít là đã có tiền triệu trong tay sau vài giờ đồng hồ trên biển”.

Theo ngư dân địa phương, nghề khai thác thủy sản gần bờ (nghề đi lộng) là nguồn thu nhập chính của nhiều ngư dân ở các huyện ven biển Thanh Hóa. Những ngày Tết Nguyên đán 2023, thời tiết nắng ráo, thuận lợi nên ngư dân tranh thủ khai thác, kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, những ngày sau Tết, nhu cầu tiêu thụ hải sản cũng tăng cao, người dân rất ưa thích các món hải sản tươi sống nên đánh bắt được bao nhiêu đều được các lái buôn, người dân, du khách thu mua ngay tại bãi biển.

Làm nghề buôn bán hải sản nhiều năm nay tại Cảng cá Lạch Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa), chị Nguyễn Thị Hằng cho biết, sau những ngày đón Tết Quý Mão, những mẻ cá, tôm, cua ghẹ tươi rói vừa được ngư dân đánh bắt trong ngày về rất được người mua chờ đón. Từ mồng 4 Tết, hàng chục khách hàng của chị tại các chợ lớn, các nhà hàng trên thành phố Thanh Hóa liên tục điện thoại đặt hàng nhưng không đủ hàng để bán.

Cũng như ngư dân bè mảng ở Hoằng Hoá, tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày gần đây, ngư dân ở vùng biển thuộc các địa phương khác ở Thanh Hóa như: Quảng Xương, Hậu Lộc, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn… cũng tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ để đi chuyến biển trong ngày. Hải sản đánh bắt ven bờ đầu năm mới chủ yếu là cá bơn, cá khoai, ghẹ xanh.

Theo chia sẻ của ngư dân, thời điểm này giá thành các loại hải sản đang giữ ở mức cao nên ngư dân rất phấn khởi. Cụ thể, giá cá khoai tại biển đang dao động từ 500.000-700.000 đồng/kg; tôm tít (bề bề) từ 300.000-400.000 đồng/kg; ghẹ xanh từ 500.000-700.000 đồng/kg… Với ngư dân vùng biển, đây được xem là những món “lộc biển” đầu Xuân, báo hiệu một năm mới thuận lợi, đủ đầy cho một hành trình vươn khơi, bám biển.

Sau khi phân loại và bán hết hải sản cho thương lái, ngư dân ven bờ lại dọn tàu thuyền, ngư lưới cụ, sẵn sàng cho những chuyến vươn khơi tiếp theo.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hàng nghìn tàu cá với 24.500 lao động tham gia trực tiếp trên biển. Thanh Hoá cũng là địa phương có cơ cấu nghề khai thác thủy sản rất đa dạng, từ các nghề truyền thống khai thác ven bờ đến các nghề khai thác xa bờ, gồm nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu, nghề chụp…

Theo cập nhật từ các địa phương ven biển trong tỉnh, sau 1 năm vươn khơi, bám biển, hiện Thanh Hóa có trên 70% tàu cá vùng khơi, vùng lộng đang “nằm bờ” nghỉ Tết Nguyên đán. Dự kiến từ ngày mồng 6 Tết đến rằm tháng Giêng âm lịch, các tàu lớn sẽ lần lượt vươn khơi, “mở biển” với hy vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Tác giả: Hoa Mai

Nguồn tin: baotintuc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok