Lực lượng Công an huyện Yên Thế, Bắc Giang kiểm tra xe chở keo, tràm |
Đã gần một tuần trôi qua, người dân cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót trước vụ chiếc xe tải ở Thanh Hóa chở cây keo, tràm đâm vào taluy dương khiến 7 người trên xe tử vong. Các lực lượng chức năng tại nhiều địa phương sau đó đã tăng cường kiểm tra đối với loại xe này và thực tế không khỏi khiến nhiều người giật mình.
Tràn lan xe chở cây keo, tràm quá khổ
Chiều 25/3, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Nghi Sơn Bãi Trành qua địa phận các huyện: Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân, TX Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), PV Báo Giao thông ghi nhận có rất nhiều xe tải chở cây gỗ keo không che phủ bạt, có dấu hiệu chở quá khổ. Đặc biệt, có những xe đã “hết đát” nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
“Đúng là trước đây, trong hợp đồng bên bán phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về lâm nghiệp, giao thông… Còn chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm từ cổng nhà máy trở vào. Thế nhưng, sau vụ TNGT thảm khốc ở Thanh Hóa, tới đây chúng tôi sẽ yêu cầu bên bán phải cắt ngắn, xếp gọn, chằng néo chắc chắn trong quá trình vận chuyển. Ông Trần Quang Luận, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (có nhà máy gỗ MDF ở Vũ Quang, Hà Tĩnh)” |
Để chở được nhiều, chủ phương tiện đóng các cọc xung quanh thành xe rồi cứ thế mà xếp cây keo lên. Gỗ được xếp vượt quá chiều cao và chiều dài thùng xe, che lấp hết cả tầm quan sát hai bên của tài xế.
Tương tự, trong 2 ngày 24 và 25/3, có mặt tại nhiều địa bàn như Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh, PV cũng bắt gặp nhiều xe tải chở cây keo, tràm quá khổ và có dấu hiệu quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
Anh Nguyễn Văn Thái (ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết: Những xe chở cây keo, tràm thường được bốc xếp vào ban ngày, đến tối hoặc đêm khuya sẽ di chuyển về nhà máy để né lực lượng chức năng.
Đúng như lời anh Thái, khoảng từ 17h - 19h ngày 25/3, gần chục xe chở gỗ keo từ khắp các ngả đường đổ ra QL12C, QL15, đường Hồ Chí Minh đi về các nhà máy gỗ, nhà máy băm dăm. Xe nào cũng chất “tràn đầu, thừa đuôi” vô cùng nguy hiểm.
Đây cũng là thực trạng chung tại các địa phương khác như Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Bình… Tài xế Lê Anh Tuấn (SN 1993, trú huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) phân bua: “Để có 1 xe keo, tràm cần từ 10 - 15 người lên rừng trong 1 ngày chặt, vận chuyển xuống núi rồi xếp lên xe. Nhìn chở là thế nhưng cước phí mỗi chuyến cũng chỉ hơn 1 triệu đồng/chuyến”.
Trong khi đó, theo Trung tá Bùi Thanh Tùng, Trưởng Công an TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh), những xe keo, tràm chở cồng kềnh, trong khi quãng đường di chuyển lại chủ yếu ở vùng núi, nhiều đèo dốc quanh co nên rất nguy hiểm.
Tiền phạt một lần bằng giá trị của cả xe gỗ keo
Lực lượng Đội CSGT Công an TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh kiểm tra xử lý xe chở keo, tràm vi phạm |
Tối 24/3, một tổ CSGT Công an TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) TTKS trên đường Trần Phú. Lúc 19h31, họ phát hiện ô tô tải BKS 38C - 154.74 chở keo đang di chuyển theo hướng trung tâm thị xã xuống cảng Vũng Áng. Ngay lập tức, tổ CSGT ra hiệu lệnh dừng xe và kiểm tra thì phát hiện xe chở hàng vượt phía sau thùng xe 2,1m (8,0/5,9m). Tổ công tác đã lập biên bản, xử phạt tài xế Nguyễn Văn Thành (SN 1991, trú xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) 3 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng.
Cùng thời điểm, tổ công tác khác của Công an TX Kỳ Anh làm nhiệm vụ trên QL12C đã kiểm tra và xử lý 2 xe tải BKS 73C - 078.07 và 73C - 071.68 vì đã chở keo, tràm, bạch đàn vượt phía sau thùng xe 1,8m (7,9/6,1m).
“Hầu hết tài xế là người địa phương, hiểu rất rõ các tuyến đường trên địa bàn. Quá trình di chuyển, họ sẽ tìm mọi cách để trốn tránh, thậm chí còn có “chim lợn” theo chân các tổ CSGT để “báo chốt”. Chỉ cần 1 xe bị bắt giữ, các tài xế liền phím nhau để tấp vào lề đường án binh bất động”, một cán bộ trong tổ cho biết.
Tình trạng xe chở keo, tràm quá khổ và có dấu hiệu quá tải tràn lan khắp Thanh Hóa |
Từ những ghi nhận thực tế cho thấy, việc xe chở keo, tràm quá khổ ngang nhiên hoạt động một phần do sự vào cuộc chưa quyết liệt của lực lượng chức năng.
“Đúng ra khi kiểm tra phải cân xe, đo kích thước thành thùng và khi xử lý phải lập hết lỗi. Nhưng nếu làm như vậy thì người dân lấy gì nộp phạt. Bởi tiền phạt 1 lần có khi bằng giá trị cả 1 xe keo. Mà để có 1 xe thì người dân phải trồng mất 4 - 5 năm, thuê người lên rừng thu hoạch, bóc vỏ rồi vận chuyển về bãi tập kết... Chỉ cần CSGT làm gắt, xe không chạy, lập tức dân sẽ không bán được gỗ”, một cán bộ CSGT xin giấu tên nói.
Thế nên, để xử lý triệt để loại xe này, Trung tá Bùi Thanh Tùng, Trưởng Công an TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho rằng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy chính quyền địa phương nơi có rừng keo, tràm để từ đó thay đổi ý thức của người dân chứ xử lý cũng chỉ là phần ngọn. Ngoài ra, các DN cũng phải đồng hành, kiên quyết từ chối mua hàng từ các xe chở vượt quá kích thước thành thùng.
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết, để đề phòng những vụ TNGT thương tâm từ xe chở keo như đã từng xảy ra ở huyện Lang Chánh, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành Công an, GTVT, Sở TT&TT phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân các quy định về đảm bảo TTATGT, không đi trên xe tải, xe khách khi không có chỗ ngồi đảm bảo an toàn. Đồng thời, tăng cường TTKS xử lý vi phạm hành vi chở quá tải trọng hàng hóa, chở quá số người quy định, sử dụng xe hết niên hạn vận chuyển hàng hóa…
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: atgt.vn