|
Liên tục phát hiện những sai phạm
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm 2017 toàn tỉnh có 56 trung tâm ngoại ngữ, trung tâm ngoại ngữ - tin học. Trong đó, thành phố Thanh Hóa có 36 trung tâm (có 33 trung tâm ngoại ngữ, 3 trung tâm ngoại ngữ - tin học); Huyện Hà Trung có 5 trung tâm, thị xã Bỉm Sơn có 3 trung tâm; ngoài ra có các trung tâm ở các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Thọ xuân, Triệu Sơn, Tĩnh Gia, Nông Cống, Thiệu hóa, Thạch Thành (mỗi huyện 1 trung tâm).
Để đảm bảo chất lượng dạy học ở các trung tâm, thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều tồn tại, thiếu sót, sai phạm của nhiều trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động trên địa bàn. Cụ thể: Về cơ sở vật chất, hầu hết các trung tâm hợp đồng thuê, mượn địa điểm (nhà ở thiết kế hộ gia đình), diện tích hẹp, phòng học, phòng làm việc của bộ máy hành chính… chưa phù hợp với hoạt động của trung tâm; bàn ghế, thiết bị dạy học chưa đúng quy định, như: Trung tâm Ngoại ngữ Khoa Nghĩa (thôn Bắc Sơn, xã Hà Bắc, huyện Hà Trung), Trung tâm Ngoại ngữ Hương Lan (đóng tại tiểu khu 3 thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung)…
Đặc biệt, một số trung tâm ngoại ngữ mở cơ sở nhưng chưa được cấp phép hoạt động như Trung tâm Ngoại ngữ Ocean.edu (đường Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa) mở cơ sở ở TP Sầm Sơn; một số trung tâm ngoại ngữ tổ chức mở lớp dạy và trông giữ nhóm trẻ nhưng chưa được cấp phép hoạt động như: Trung tâm Ngoại ngữ Aplus (Học viện Giáo dục Aplus Thanh Hóa ở phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) tổ chức 3 nhóm trẻ, Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Thành Đạt (222B, P.Trường Thi, TP Thanh Hóa) tổ chức 2 nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động.
Ngoài ra, đa số các trung tâm được thanh tra có đội ngũ giáo viên đang giảng dạy không đúng với quyết định thành lập và cấp phép hoạt động; không thành lập tổ chuyên môn, quản lý giáo viên còn hạn chế, tồn tại. Các Trung tâm Ngoại ngữ Aplus, Ngoại ngữ - Tin học Toàn Cầu, Ngoại ngữ Vietlink, Quốc tế Thành Đạt: Hồ sơ quản lý giáo viên nước ngoài chưa đủ theo quy định; các Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế I.Pro, Quốc tế Bigben… hồ sơ giáo viên chưa đầy đủ.
Xử lý không xuể
Tại Kết luận thanh tra số 283/KL-SGDĐT (tháng 2/2018) của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã đình chỉ hoạt động 3 tổ chức, cá nhân tự ý thành lập và dạy ngoại ngữ trái quy định, gồm: Công ty GD&ĐT Tân Sinh (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), Trung tâm Ngoại ngữ APPLE (468G Trần Phú, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa), Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại (đường Ngọc Mai, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa);
Dừng hoạt động các nhóm trẻ mầm non chưa được cấp phép hoạt động của Trung tâm Ngoại ngữ Aplus và Ngoại ngữ Quốc tế Thành Đạt; Dừng hoạt động các cơ sở của Trung tâm Ngoại ngữ Đông Dương (Nhà Văn hóa Thiếu nhi phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) tại 5 trường tiểu học thuộc các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Bá Thước;
Dừng địa điểm hoạt động tại thành phố Sầm Sơn của Trung tâm Ngoại ngữ Ocean.edu do chưa được cấp phép hoạt động; Dừng hoạt động các cơ sở đặt tại các xã thuộc huyện Hà Trung của các Trung tâm Ngoại ngữ Hương Lan (thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung), Ban Mai, Minh Phương đều ở thị xã Bỉm Sơn do cơ sở vật chất chưa đảm bảo quy định.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Thi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết thêm: Để chấn chỉnh hoạt động các trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động trên địa bàn, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã yêu cầu các trung tâm thực hiện nghiêm túc Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT ngày 28/1/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ - tin học; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng dạy học; hồ sơ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên phải đầy đủ theo quy định, nhất là quản lý giáo viên là người nước ngoài (hộ chiếu, bản dịch tiếng Việt về bằng tốt nghiệp, hợp đồng lao động, giấy phép của Sở Lao động).
Ngoài ra, đối với các tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ phải đảm bảo đầy đủ điều kiện để được thành lập và cấp phép hoạt động đúng quy định. Việc thành lập các trung tâm phải phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục, tránh tình trạng có địa bàn thành lập quá nhiều như hiện nay.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/TT-BGDĐT: quy định rõ về điều kiện thành lập và các trường hợp phải đình chỉ hoạt động, vì tại Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT chưa quy định cụ thể về diện tích, đất đai, việc xây dựng các khối công trình phòng học… phù hợp với trung tâm; chưa quy định các trường hợp cụ thể phải đình chỉ hoạt động. |
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại