Phụ huynh lên mạng "tố" giáo viên… không có tình người
Tuần qua, dư luận xôn xao với bức tâm thư "Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt" của phụ huynh Hương Giang "tố" trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) áp dụng phương pháp giáo dục hà khắc "không tình người, chỉ có kỷ luật và nước mắt" gây áp lực tâm lý nặng nề lên học sinh và sự bất an cho phụ huynh.
Phụ huynh lên mạng “tố” trường Lương Thế Vinh với lối giáo dục hà khắc gây xôn xao dư luận. |
Ngoài ra, phụ huynh cũng chỉ ra những điểm bất cập đằng sau cánh cửa của trường Lương Thế Vinh như bản kiểm điểm “nhiều như bươm bướm”, ngang nhiên tổ chức học thêm, tăng tiền học phí…
Trước “lùm xùm” dư luận, PGS. Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh) cho biết, ông rất buồn trước suy nghĩ của phụ huynh cho rằng cách giáo dục của trường Lương Thế Vinh hà khắc. Điều này không đúng.
PGS. Văn Như Cương khẳng định nhà trường vẫn giữ quan điểm, phương pháp giáo dục như hiện tại trong thời gian tới. |
“Hà khắc là khắt khe, nghiệt ngã, còn lối giáo dục của nhà trường là nghiêm khắc, trong đó có sự bao dung đi kèm”, PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh. PGS. Văn Như Cương cũng bày tỏ trăn trở khi phụ huynh hiện đại nuông chiều con, "xót con" quá mức. Tuy nhiên, trường Lương Thế Vinh dạy các em phải biết trân trọng lao động. Ví dụ, khuôn viên trường được quét dọn sạch sẽ, tại sao học sinh nỡ vứt rác? Các em vi phạm khuyết điểm có thể bị phạt lao động (quét dọn, tưới cây, rửa bát…) để sửa chữa.
PGS. Văn Như Cương khẳng định nhà trường vẫn giữ quan điểm, phương pháp giáo dục như hiện tại trong thời gian tới.
Hải Phòng: Phụ huynh xông vào tát cô giáo ngay tại lớp học
Ngày 27/9, có một học sinh trong lớp 2C do không mặc đồng phục và nói chuyện riêng nên bị cô P.T.H. (sinh năm 1991, giáo viên hợp đồng), đang phụ trách lớp 2C, trường tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) gọi lên phạt bằng hình thức dùng thước kẻ vụt vào lòng bàn tay học sinh này.
Ngày 28/9, gia đình học sinh bị phạt không cho con đến trường học nhưng cuối giờ cùng ngày, bà nội cùng mẹ của học sinh này đã xông vào lớp đôi co sau đó hành hung cô giáo H.
Cô giáo P.T.H đang điều trị tại bệnh viện. |
Trao đổi với Dân trí chiều ngày 29/9, ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết cô giáo H. vốn thể lực yếu do mắc bệnh bướu cổ, dễ bị sốc về tâm lý nên đã phảivào cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp.
“Huyện cũng đang giao cho công an huyện kết hợp địa phương, công an xã làm rõ vụ việc để sớm ổn định tình hình”, ông Cường nói.
Bộ GD&ĐT có 2 Thứ trưởng mới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký 2 quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội và ông Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM làm tân thứ trưởng của Bộ GD&ĐT. Theo quyết định 1436/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM giữ chức Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, kể từ ngày 22/9.
Hai tân Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: ông Nguyễn Văn Phúc và ông Nguyễn Hữu Độ. |
Với quyết định này, Bộ GD&ĐT sẽ có 6 lãnh đạo, gồm: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng: Bùi Văn Ga, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Hữu Độ. Trong kế hoạch, Thứ trưởng Bùi Văn Ga sẽ nghỉ hưu theo chế độ từ cuối tháng 11 tới.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga sẽ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Đà Nẵng từ ngày 1/12 tới. |
Thủ tướng cũng đã ký quyết định về việc Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga được kéo dài thời gian công tác để giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Theo quyết định số 1448/QĐ-TTg, sau khi hết tuổi làm công tác quản lý vào cuối tháng 11, từ ngày 1/12/2017, ông Bùi Văn Ga sẽ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Đà Nẵng.
Giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia đến năm 2020
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký văn bản gửi các Sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng, Cục Đào tạo thuộc Bộ Công an về tổ chức kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2018.
Theo đó, Bộ GD&ĐT khẳng định, trong các năm 2018, 2019 và 2020 việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017.
Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Cũng theo công văn này, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ rà soát, qui hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường; đồng thời triển khai các giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp bậc học.
Đồng thời rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.
Tác giả: Lệ Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí