Bài viết "Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt" của chị nhận được sự quan tâm lớn của nhiều phụ huynh.
Chị Giang phản ánh chuyện cô giáo chủ nhiêm lớp 10A1.1 Nguyễn Thị Thu có cách giáo dục ảnh hưởng đến tâm lý học sinh; cách hành xử của hiệu phó nhà trường Văn Thùy Dương là chưa đúng mực.
Trước đó, cho dù con gái đã trúng tuyển Trường THPT Việt Đức (trường có điểm chuẩn khá cao ở Hà Nội), chị Giang vẫn quyết định cho con học ở trường Lương Thế Vinh - một trường tư có mức học phí vừa phải, tỷ lệ đỗ đại học của học sinh luôn thuộc tốp cao.
Sau 2 học kỳ, chị thấy con gái thường xuyên trở về nhà trong tâm trạng buồn bã, lo âu.
“Bố mẹ liên tục bị mời lên, còn các em liên tục phải viết kiểm điểm và chịu mọi hình thức phạt của nhà trường” – chị Giang cho hay.
Vị phụ huynh cho hay bản thân đã dự 3 cuộc họp phụ huynh của lớp và “chưa bao giờ chứng kiến một nụ cười trên môi cô giáo chủ nhiệm”.
Ngoài ra, vị phụ huynh nêu cô Thu đồng thời là giáo viên của một trường công lập khác ở quận Ba Đình.
"Nhiều phụ huynh đã ngỡ ngàng vì ngôi trường dân lập đầu tiên của Hà Nội sau gần 30 năm vẫn chưa tự chủ được nguồn giáo viên” – chị Giang bình luận.
Cùng với những tình tiết và cảm nhận khác, ngày 26/6, chị đã viết thư gửi cô hiệu phó Văn Thùy Dương bày tỏ mong muốn thay đổi giáo viên chủ nhiệm.
Khoảng 1 tuần sau khi gửi thư, chị Giang nhận được cuộc hẹn cùng với 3 phụ huynh khác.
Theo lời kể của phụ huynh, cô Dương trình bày: “Chúng tôi không bắt buộc con chị phải học ở đây. Chị hoàn toàn có thể chuyển cho con sang môi trường khác”.
Ngày sau đó, khi lấy ý kiến học sinh thì có 13/37 em đồng ý đổi giáo viên chủ nhiệm hoặc để phiếu trắng, nên trường vẫn duy trì giáo viên chủ nhiệm cũ.
Kết quả, con không muốn đến trường nên gia đình chị Giang xin rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.
Cùng với chuyện nêu trên, chị Hương Giang phản ánh thêm rằng, con chị và các bạn trong lớp liên tiếp phải viết bản kiểm điểm hoặc mời bố mẹ đến gặp cô vì những lỗi như: Nói chuyện trong lớp, thiếu bài tập về nhà, đi muộn, đổi chỗ, ngủ gật trong giờ, không ghi chép bài trên lớp đầy đủ, quần áo đầu tóc không ngay ngắn. Bên cạnh đó, lượng bài tập về nhà thì luôn rất nhiều...
Chuyển trường vì khác biệt quan điểm giáo dục
Trao đổi với VietNamNet, bà Văn Thùy Dương cho biết đã biết được phản ánh của phụ huynh Giang.
Bà Dương cho biết đã mời ban phụ huynh lớp, cùng một số phụ huynh có con hay bị kỷ luật để kiểm chứng thông tin:
“Các vị phụ huynh đều đề nghị không đổi với rất nhiều lý do, trong đó đánh giá cô chủ nhiệm rất tốt và các con đã bắt đầu vào guồng rồi”.
Hiệu phó Trường PTTH Lương Thế Vinh Văn Thuỳ Dương |
Bà Dương khẳng định về nguyên tắc, khi phụ huynh có tâm thư, nguyện vọng, ban giám hiệu sẽ xác minh sự việc để đưa ra quyết định, và không thể bắt ép phụ huynh nếu không cùng quan điểm giáo dục với nhà trường:
"Trong cuộc gặp phụ huynh, tôi đã nói rằng nếu cháu thấy áp lực, gia đình có thể chuyển lớp cho con. Nhưng ngay hôm đó phụ huynh nói không và sẽ chuyển trường, đồng thời sẽ đưa sự việc ra công luận.
Tôi cũng nói phụ huynh nên suy nghĩ kỹ, bởi quyền là của phụ huynh chứ chúng tôi cũng không thể bắt học tại đây. Tôi đã trả lời đàng hoàng rõ ràng như vậy, nhưng phụ huynh lại cho rằng không tôn trọng.
Ngay sau buổi làm việc, học sinh cũng nghỉ luôn và không thông báo với nhà trường. Đến khi chúng tôi gọi điện nhắc nếu chuyển trường thì phải có đơn để làm hồ sơ thì phụ huynh mới mang đơn đến. Khi xác nhận đơn chuyển trường, chúng tôi cũng xác nhận rất tốt cho con chứ không có vấn đề gì”.
Về trường hợp cô Nguyễn Thị Thu dạy cả trường công và trường tư, bà Dương cho biết trong buổi làm việc bà cũng nói rất rõ về việc trường có bao nhiêu phần trăm giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng, và việc này không trái quy định.
"Chỉ khi sử dụng nguồn giáo viên thỉnh giảng thì chúng tôi mới có thể nhìn xa hơn rằng, học sinh trường Lương Thế Vinh đang ở mức nào để điều chỉnh việc giảng dạy cũng như nâng cao chất lượng. Đó là cách điều hành, quan điểm giáo dục của nhà trường chứ không phải nhà trường thiếu giáo viên đến mức lấy giáo viên trường khác về dạy”.
Bà Dương cho rằng cũng cần có những giáo viên nghiêm ngặt và có kỷ luật, tuy nhiên cũng chưa kiểm chứng thông tin bài tập về nhà quá nhiều và độ khó dễ của các bài này.
Sau khi phụ huynh gửi thư tới hiệu phó, cô Nguyễn Thị Thu cũng đã có bản tường trình gửi Ban giám hiệu nhà trường.
Trong đơn trình bày sự việc ngày 3/7, cô Thu cho biết:
“Tôi không trực tiếp đọc bức thư nên không biết phụ huynh là ai. Sau khi tiếp xúc thông tin, tôi thực sự sốc. Gần 20 năm đứng trên bục giảng, trải qua nhiều môi trường giáo dục khác nhau, nhưng chưa nhận được sự quy kết như thế này bao giờ”.
Theo cô Thu, tất cả biện pháp giáo dục như viết bản kiểm điểm, tường trình, cam kết, mời phụ huynh lên trao đổi để tìm cách phối hợp giúp học sinh nhận lỗi, và tiến bộ dần lên, phạt học sinh lao động công ích, v.v... đều nhằm mục đích cho học sinh trưởng thành, ngoan hơn và nâng cao kết quả học tập.
Những biện pháp này đã được đưa ra từ đầu năm trong cuộc họp và được 100% phụ huynh đồng ý. Đây là cách làm phù hợp môi trường Lương Thế Vinh, có trách nhiệm và sát sao của đội ngũ giáo viên.
“Tôi thật buồn khi phụ huynh nói đó là giáo dục không có tình người. Nếu thiếu trách nhiệm, tôi đã hoàn toàn buông lỏng học sinh, không để các con muốn học thì học, muốn chơi thì chơi, không cần trao đổi với phụ huynh để cuối năm các vị có thể bất ngờ với kết quả học tập và đạo đức của các con” - cô Thu giãi bày...
Sau phần trả lời của bà Văn Thùy Dương trên báo chí, phụ huynh Hương Giang bày tỏ về việc chia sẻ bài viết của mình trên mạng xã hội:
“Tôi “cực chẳng đã” mới phải làm như vậy".
Chị Giang cho biết trước khi viết tâm thư gửi hiệu phó, chị đã phải suy nghĩ kỹ và đợi hết năm học mới đề đạt nguyện vọng.
Chị Giang nói mình không đồng quan điểm với cách giáo dục của nhà trường:
“Quan điểm của tôi là “lạt mềm buộc chặt”, nhất là đối với các con đang ở độ tuổi chấp chới, dễ manh động và cũng dễ bùng nổ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, cứ đòn roi là chúng vào khuôn khổ, là ngoan ngoãn. Có thể trước mặt mình, chúng tỏ ra sợ hãi, tuân lệnh nhưng đằng sau, các cô có nghe chúng nói về“ người thầy” của mình như thế nào không?”
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet