Giáo dục

Giáo viên trẻ “nuốt nước mắt” vì làm nhiều nhưng hưởng ít

Nhiều năm giảng dạy ngành Giáo dục tiểu học, PGS.TS. Hoàng Thị Tuyết (ĐH Mở TPHCM) chia sẻ đã không ít lần bật khóc cùng cựu sinh viên khi nghe các em tâm sự làm nhiều mà lương thấp vì không có thâm niên, hay tốt nghiệp bằng thạc sĩ/đại học nhưng chỉ hưởng lương trung cấp.

Bằng thạc sĩ hay đại học vẫn chỉ hương lương trung cấp?

Tại Hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 22/9, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu ra những bức xúc, thiệt thòi của giáo viên.

Đại biểu Hoàng Thị Tuyết phát biểu: "Nhiều học trò của tôi ra trường theo nghề quay trở lại tâm sự với tôi rằng: Tụi em làm nhiều nhưng hưởng ít bởi lẽ lương giáo viên trả theo thâm niên. Đặc biệt khi năm ngoái có chủ trương giáo viên dạy tiểu học, dù tốt nghiệp cử nhân, hay thạc sĩ thì cũng bắt đầu hưởng lương trung cấp (1,86). Rất nhiều giáo viên tiểu học đã phải nuốt nước mắt làm nghề, hoặc không dám đi học cao hơn. Chúng tôi không hiểu sao lại có quy định như vậy".

Bà Tuyết cho rằng lương thấp là yếu tố làm giảm động lực của giáo viên, đặc biệt là những người dạy giỏi, chủ trương giáo viên tiểu học tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ phải nhận mức lương trung cấp là bất hợp lý.

Đồng tình quan điểm, ông Trần Trung Ninh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, trong khi chúng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của giáo viên thì tiền lương của đội ngũ "trồng người" lại không đủ đảm bảo đời sống, chính điều đó đã phần nào hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo.

Các đại biểu thẳng thắn nêu thực trạng thu nhập không đủ sống của giáo viên.

Ông Ninh dẫn lại đề tài khoa học cấp nhà nước do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm. Theo đó, mức thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương của giáo viên thâm niên 13 năm là 3-3,5 triệu đồng/tháng; giáo viên có thâm niên hơn 25 năm lương chỉ 4,1-4,7 triệu đồng/tháng.

Hiện chỉ khoảng 50% giáo viên các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên. Do đó, thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho giáo viên phổ thông không đáp ứng được nhu cầu cơ bản về đời sống của họ và gia đình, nhất là ở vùng đô thị. Đây là lý do khiến khoảng 40% giáo viên không muốn làm nghề Sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề.

"Trong lần đổi mới Chương trình phổ thông tổng thể lần này, nếu vấn đề lương và đãi ngộ của giáo viên không được giải quyết thỏa đáng thì dù chương trình và sách giáo khoa có hiện đại và ưu việt cũng sẽ thất bại", đại biểu Trần Trung Ninh nhận định.

Ông Hoàng Gia Trang (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cũng chia sẻ thêm thực trạng đời sống khó khăn, chật vật của giáo viên, nhất là giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa. Nhiều thầy cô phải bơi qua một con sông mới đến trường. Đại biểu này nhấn mạnh, tuyển dụng, đãi ngộ, đời sống vật chất - tinh thần đảm bảo là ba yếu tố giúp người giỏi vào sư phạm, thầy cô gắn bó với nghề.

Ông Phạm Hồng Quang (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên) nhận định, hiện nay trách nhiệm của giáo viên Việt Nam không cao và nguyên nhân chính là do chế độ lương. Theo ông Quang, “bảo hiểm trách nhiệm” của giáo viên các nước trên thế giới chính là tiền lương thỏa đáng, còn ở nước ta chưa làm được điều này.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Giáo dục 2017 cùng bàn thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

“Luật Viên chức tính toán trả lương công bằng”

Giải đáp thắc mắc về việc giáo viên tiểu học có bằng đại học mà chỉ được hưởng lương trung cấp, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Trước đây giáo viên hưởng lương theo bằng. Do đó, mọi người đổ xô đi học thêm lên cao. Người ở nhà phải làm rất nhiều, lương thì vẫn thấp - người đi học về thì được lương cao hơn. Chính vì vậy từ khi có Luật Viên chức, việc tính toán trả lương theo tiêu chuẩn chức danh, theo thứ hạng trong nghề nghiệp, trong đó trình độ bằng cấp không phải là yếu tố quyết định, mà là sức lao động bỏ ra”.

Theo ông Minh, Luật Viên chức tính lương theo tiêu chuẩn chức danh và thứ hạng nghề nghiệp, tránh tình trạng giáo viên cống hiến ít, lao động ít mà bằng cao nên được hưởng lương cao như trước đây. Do đó, các giáo viên có năng lực, cống hiến sức lao động nhiều theo logic sẽ dần dần thăng hạng và nâng mức lương.

Báo cáo Bộ Nội vụ gửi tới Hội thảo Giáo dục 2017 nêu rõ, thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” và theo phân công, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu chế độ tiền lương đối với giáo viên phổ thông phù hợp với "Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập" trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Đề xuất xóa hệ Cao đẳng Sư phạm

Để đảm bảo chất lượng giáo viên phổ thông cho chương trình đổi mới, TS. Phạm Văn Hùng (Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế) đề xuất cần dừng đào tạo cao đẳng hệ sư phạm. Giáo viên dạy tiểu học, THCS phải là những người được đào tạo trình độ đại học. Trong bước quá độ, các trường cao đẳng tập trung đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng dạy mầm non.

"Chúng ta đang thừa nhiều đại học như vậy thì không nên đào tạo thêm. Chương trình mới phong phú như vậy, nâng tầm như vậy đưa giáo viên cao đẳng sư phạm vào dạy thì khó", ông Hùng nói.

Theo TS. Hùng, phải có một chương trình quốc gia về bồi dưỡng giáo viên thống nhất trong toàn quốc và có quy định về đảm bảo tài chính để thực hiện. Nội dung bồi dưỡng vừa đáp ứng các yêu cầu chung vừa đáp ứng cụ thể cho từng loại hình giáo viên.

TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế đề xuất xóa hệ cao đẳng sư phạm.

Ngoài ra, chúng ta cần khảo sát và phân loại đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ngoại ngữ. Khẩn trương tổ chức đào tạo và cung cấp cho các trường loại hình giáo viên theo chương trình mới (giáo viên dạy tiếng dân tộc, giáo viên tư vấn hướng nghiệp, giáo viên nghệ thuật (dạy ở cấp THPT), giáo viên dạy ngoại ngữ 2.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Nghệ An đưa ra con số 70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm.

Theo ông Đình Anh, dạy học là một nghề vừa mang tính khoa học lại là nghề đòi hỏi người dạy có nghệ thuật trong giảng dạy. Đối chiếu với quan điểm này, giáo viên có năng khiếu sư phạm tỷ lệ rất ít. Trong khi đó, số lượng học sinh phổ thông rất đông. Không có năng khiếu, giáo viên lại không tích cực rèn luyện dẫn đến năng lực yếu kém.

“Thực tế, ít nhất 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm phải tham gia đứng lớp, giáo viên khá giỏi chỉ đạt 20% trong khi số lượng học sinh ngày càng lớn. Vì vậy, giáo dục phổ thông không thể nâng lên được mà chỉ dừng lại ở mức nào đó thôi”, ông Đình Anh nhấn mạnh.

Tác giả: Lệ Thu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok