Trong tỉnh

Giảm nghèo nhờ cây vầu

Với mong muốn phát triển kinh tế và trồng bổ sung cây vầu, UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng thâm canh và phục tráng rừng vầu tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa”.

Người dân huyện Quan Sơn sơ chế vầu để bán cho doanh nghiệp.

Dự án này đã xây dựng thành công mô hình thâm canh rừng vầu quy mô 20 ha; mô hình phục tráng rừng vầu 30 ha. Các mô hình đang được duy trì, nhân rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Cây vầu hay còn gọi là vầu đắng cao gần 20 mét, thân non màu lục nhạt, thân già màu lục xám, được dùng làm mây tre đan, bột giấy, đồ trang trí thủ công mỹ nghệ, tăm và vật liệu xây dựng.

Ông Hà Văn Toản - Phó phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn - Chủ nhiệm dự án cho biết, tại Việt Nam cây vầu thường mọc tự nhiên ở vùng đồi núi cao gần 1.200 m, nơi có khí hậu mát, mưa nhiều thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa. Cây từ 4-5 năm tuổi có thể khai thác.

Tại huyện vùng biên Quan Sơn, vầu được xem là cây giúp người dân giảm nghèo. Tuy nhiên, do khai thác nhiều, khả năng phục hồi của loài cây này rất chậm. Nếu không trồng phục tráng thì tương lai những cánh rừng vầu trong huyện sẽ mất dần. Do đó, dự án này không chỉ giúp nhân dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần giữ ẩm, chống xói mòn đất.

Dự án đã chọn 2 xã Tam Thanh và Tam Lư để thực hiện. Đây là nơi trình độ dân trí thấp, diện tích rừng vầu bị suy thoái do người dân, khai thác với số lượng lớn, phương thức trồng mới lạc hậu, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ban quản lý dự án đã xây dựng mô hình thâm canh rừng vầu. Tại bản Hậu, xã Tam Lư, dự án đã trồng được 370 khóm/ha cây vầu. Tại bản Phe, xã Tam Thanh trồng 379 khóm/ha, tổng diện tích trồng khi kết thúc dự án là 20 ha.

Hiện mô hình thâm canh rừng vầu từ khi trồng đến nay có tỷ lệ sống trên 90%, ít bị sâu bệnh, cây phát triển tốt. Mô hình phục tráng rừng vầu cũng được thực hiện có hiệu quả. Dự án đã trồng và đánh giá khả năng sinh măng của cây vầu, từ 10-12 măng/bụi. Măng sinh nhiều, phát triển tốt, giúp cho những khu rừng vầu bị suy thoái trước đó đang dần được phục hồi.

Hiện tổng diện tích thực hiện mô hình phục tráng rừng vầu khi kết thúc dự án là 30 ha. Nhiều diện tích bị thoái hóa sau khi được áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, bón phân, làm cỏ đã phát triển trở lại, tình hình sâu bệnh giảm, nhiều hộ dân tham gia mô hình đã vươn lên giảm nghèo.

Chị Lò Thị Lan, trú bản Hậu, xã Tam Lư cho biết, dự án triển khai chị được hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trồng vầu từ năm 2013. Thời điểm này, chị quyết định phá 3 ha luồng để trồng vầu, kết hợp chăn nuôi lợn, gà trong vườn rừng. Nhờ sự kiên trì chịu khó, cây vầu ngày một phát triển và đã cho thu hoạch, hiện trang trại chị đã có 4 ha vầu, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Ông Vi Văn Piên, Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết, dự án đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con trong xã, nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng cây vầu bởi khi trồng loài cây này chỉ 4 năm là thu hoạch được. Hiện có 87 cơ sở đầu tư nhập cây vầu về sản xuất, chủ yếu là bán ra Hà Nội.

Theo ông Hà Văn Toản, chủ nhiệm dự án cho biết, dự án đã tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh, phục tráng rừng vầu cho 50 hộ tham gia. Qua đó, giúp bà con nâng cao sản lượng giá trị hàng hóa từ 1,2-1,5 lần so với tập quán khai thác truyền thống, tăng sức cạnh tranh và tạo được thị trường cho sản phẩm.

Tác giả: Nguyễn Nam

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok