Bệnh viện Ung bứu đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa dừng khánh thành với lý do thực hành tiết kiệm, chống lãng phí |
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa vừa có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bệnh viện thông minh - Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của dự án là: Đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ và hiện đại nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa; Đầu tư đồng bộ hệ thống Công nghệ thông tin (CNTT), bao gồm trang thiết bị CNTT, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng và tích hợp CSDL khám chữa bệnh; Tổ chức các khóa đào tạo chuvên môn, quản lý, sử dụng ứng dựng CNTT và chuyển giao công nghệ cho cán bộ y tế về việc sử dụng thiết bị được đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, thực hiện và quản lý bệnh viện.
Dự án sẽ đầu tư mua sắm đầy đủ, đồng bộ trang thiết bị y tế và hệ thống CNTT cho Bệnh viện thông minh - Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu của bệnh viện chuyên khoa 300 giường và cơ bản đáp ứng nhu cầu khi tăng quy mô giường bệnh lên 450 giường vào giai đoạn II. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 617.640.000.000 đồng (Sáu trăm mười bảy tỷ, sáu trăm bốn mươi triệu đồng). Vốn đầu tư từ nguồn thực hiện đề án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020. Giai đoạn 1 dự án có mức đầu tư hơn 410 tỷ đồng, trong đó chi phí mua sắm trang thiết bị hơn 269 tỷ đồng, chi phí đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hơn 94,7 tỷ đồng.
Cùng với tờ trình đề xuất phê duyệt dự án, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất chi tiết nhiều hạng mục đầu tư về thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin với mức giá “trên trời”, cao gấp 2-3 lần giá thị trường.
Cụ thể: Sở Y tế (chủ đầu tư) đề xuất mua 50 máy tính bảng chuyên dụng dành cho bác sỹ và điều dưỡng với mức giá lên tới 64,5 triệu/máy. Điều kỳ lạ là chính đơn vị này đã đề xuất xây dựng phần mềm tích hợp cho máy tính bảng/điện thoại thông minh nhưng không hiểu sao vẫn tiếp tục đề xuất mua máy tính bảng chuyên dụng với mức giá lên tới 64,5 triệu/máy? Riêng máy tính bảng dùng để thu thập ý kiến đánh giá bệnh nhân, Chủ đầu tư đề xuất mức giá lên tới 27,5 triệu đồng/máy. Khảo cứu thị trường thời điểm 2019, các mức giá đề xuất kể trên của Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa là quá cao, gây lãng phí không cần thiết.
Đối với thiết bị công nghệ thông tin trang bị cho lãnh đạo bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế đề xuất đầu tư máy tính xách tay (Laptop) màn hình cảm ứng với mức giá lên đến 78,6 triệu đồng/máy. Đây thực sự là mức giá đề xuất “trên trời”, bởi chỉ là thiết bị máy tính trang bị cho hoạt động quản lý điều hành thông thường của lãnh đạo bệnh viện. Mặt khác, đối chiếu với Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị, định mức cho máy tính để bàn, xách tay cho cán bộ, công chức, viên chức các tổ chức, đơn vị sự nghiệp chỉ khoảng 15 triệu đồng/máy.
Tỉnh Thanh Hóa cần xem xét thấu đáo Dự án "vẽ giá" thiết bị của ông Trịnh Hữu Hùng (ngồi bên trái) để tránh thất thu tiền ngân sách |
Trong quá trình tìm hiểu Dự án Bệnh viện thông minh – Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, phóng viên còn phát hiện thêm những đề xuất “trên trời” của Giám đốc Sở Y tế Trịnh Hữu Hùng. Theo cơ cấu tổ chức của Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, giai đoạn 1 có 28 khoa, phòng, giai đoạn 2 tăng lên 36 khoa, phòng nhưng không hiểu căn cứ trên cơ sở nào, chủ đầu tư lại đề nghị mua 25 màn hình LCD loại 55 inch phục vụ Ban giám đốc và các trưởng khoa, phòng, 100 ti vi phòng khám, 200 máy tính để bàn kèm lưu điện. Giá đề xuất màn hình LCD 55 inch là 32,4 triệu/màn hình.
Đối với thiết bị máy Cộng hưởng từ (MRI), Chủ đầu tư đề xuất mua máy 1.5 Tesla với mức giá khoảng 37 tỷ đồng. Theo một số chuyên gia y tế, đây là mức giá quá cao so với thị trường. Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2017, một bệnh viện ở Thanh Hóa đã đầu tư mua sắm loại máy Cộng hưởng từ 1.5 Tesla với mức giá chỉ hơn 21 tỷ đồng.
Sáng 7/5, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Hiện tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã đưa cơ sở 2 vào sử dụng rồi. Cơ bản là đáp ứng được nhu cầu hiện tại, bây giờ sẽ bổ sung dần, nhu cầu là rất lớn, sức chứa 450 giường bệnh. Tổng mức đầu tư cho bệnh viện Ung bứu gần 700 tỷ. Các trang thiết bị như máy cộng hưởng từ mới trong quy trình đề xuất".
"Các trang thiết bị cho y tế thì ngày càng nhu cầu cao, thiết bị càng tốn kém. Do đó, việc so sánh giá cao hay thấp thì rất khó. Một cái thiết bị thì nó vô cùng để mà so sánh...Cái đó Sở Kế hoạch & Đầu tư đang quá trình thẩm định, mình muốn dùng cái tốt thì mình phải mua loại tốt mà dùng"- ông Hùng cho biết thêm.
Ở một diễn biến khác có liên quan, sáng 8/5, theo kế hoạch, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ khánh thành cơ sở mới tại Khu đô thị Tây Bắc Cầu Quán Nam, TP Thanh Hóa. Hằng trăm giấy mời đã được phát ra, khuôn viên bệnh viện đã được trang hoàng lộng lẫy với sân khấu, băng rôn, cờ phướn.
Tuy nhiên, sự kiện đã bị dừng đột ngột, cho dù đây là công trình gắn biển chào mừng 990 năm Thanh Hóa. Lý do được đưa ra từ phía UBND tỉnh Thanh Hóa đó là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Quang Duy
Nguồn tin: Báo Công luận