Xã hội

Giải pháp nào cho tình trạng thiếu giáo viên tại Thanh Hoá

Tại tỉnh Thanh Hoá, tình trạng thiếu giáo viên đã và đang diễn ra ở hầu khắp các huyện, thành phố trên địa bàn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình tuyển dụng khoảng 10.000 giáo viên trong thời gian tới. tuy nhiên, phương án tuyển dụng ra sao để không phát sinh tình trạng thiếu-thừa cục bộ là vấn đề cần bàn.

Lớp học bằng gianh tre được người dân bản Đun Pù, xã Nam Xuân huyện Quan Hoá dựng lên giúp cô trò có nơi học chữ.

Đến thời điểm này, huyện miền núi Quan Hoá đang thiếu khoảng 80 giáo viên các cấp học. Chỉ tính riêng năm học 2020-2021 đã có hơn 30 giáo viên trên địa bàn xin chuyển công tác đến các vùng thuận lợi hơn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Theo thầy Lê Đình Sâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Nam Xuân, mới đây tất cả các xã của huyện Quan Hoá bị đưa ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, điều này ảnh hưởng nhiều đến đời sống giáo viên.

"Đồng lương khó khăn nên thầy cô chuyển công tác trong năm học này là như thế. Còn giáo viên ở các trường xa thiếu nhiều, giáo viên ở trung tâm phải di chuyển lên dạy, nhưng phải chi tiêu nhiều, trong khi thu nhập cũng giống đồng lương ở đồng bằng nên khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục - thầy Sầm nói.

Theo ông Lê Đức Hiếu, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quan Hóa, chính sách, thu nhập hiện nay đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống giáo viên. Không thể thu hút, giữ chân được giáo viên, địa phương phải chọn giải pháp trước mắt là tăng ca, tăng buổi.

"Ngành cũng phải tìm cách, phải vận động giáo viên với tinh thần yêu nghề, mến trẻ của mình dạy tăng ca, tăng buổi. Chỉ có cách đó, nhưng chế độ cho giáo viên tăng ca tăng buổi chưa đáp ứng được, chủ yếu là tinh thần trách nhiệm và tấm lòng thầy cô cùng nhà trường hoàn thành nhiệm vụ giáo dục".

Mường Lát là huyện đặc biệt khó khăn, thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Thanh Hoá. Tình trạng thiếu giáo viên cũng đã tồn tại nhiều năm qua, thế nhưng việc tuyển dụng không thể thực hiện được.

Đây là phòng học 2 lớp ghép 1+2.

Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mường Lát cho biết: "Theo kế hoạch và tính đến tỷ lệ dân số hàng năm các bậc học đều tăng, theo dân số tăng, các lớp tăng dần, mỗi năm khoảng 10 lớp. Ngành đã tham mưu huyện tuyển bổ sung, nhưng theo Luật Giáo dục mới thì hồ sơ đăng ký tuyển dụng không đáp ứng được điều kiện tuyển dụng".

Không chỉ các huyện miền núi thiếu giáo viên, ngay tại thành phố Thanh Hóa tình trạng này cũng diễn ra nhiều năm qua. Nhằm đảm bảo việc dạy và học, địa phương này phải hợp đồng giáo viên và phải trích ngân sách để chi trả lương cho giáo viên.

Theo rà soát của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, nếu tính theo định mức của Bộ GD-ĐT giao tỉnh đang thiếu khoảng 16.000 giáo viên. Nếu tính theo định mức của tỉnh, thiếu khoảng 9.000 giáo viên ở cả 3 cấp học.

Trước thực trạng thiếu giáo viên, để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới, Thanh Hóa xây dựng kế hoạch, lộ trình tuyển dụng khoảng 10.000 biên chế giáo viên các cấp thời gian tới. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng cần tính toán, đặc biệt đối với khu vực miền núi, nếu không sau tuyển dụng giáo viên tìm cách chuyển công tác về vùng thuận lợi.

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hoá cho biết, đã tính toán đến phương án này: "Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh tuyển riêng khu vực miền núi. Việc số lượng giáo viên là người dân tộc tỷ lệ không cao nên vẫn phải có điều kiện giáo viên công tác ở miền núi 5-7 năm để khi tuyển dụng giáo viên yên tâm công tác. Ngoài ra thời gian tới chúng tôi xác định việc đào tạo giáo viên để cân đối vùng miền, tuyên truyền để học sinh khu vực miền núi vào ngành sư phạm đảm bảo tính ổn định lâu dài".

Việc tuyển dụng hàng nghìn giáo viên ở Thanh Hoá đã có trong lộ trình, thế nhưng cũng cần có chế tài, quy định, thậm chí chính sách và sự ràng buộc, nếu không tình trạng thừa thiếu cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra./.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: thanh hoá , giáo viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok