Sau 6 lần đối thoại, đến nay gia đình 8 nạn nhân trong vụ tai biến chạy thận và BV đa khoa tỉnh Hoà Bình vẫn chưa thống nhất được mức đền bù.
8 gia đình đề xuất mức đền bù chung là 250 triệu đồng/bệnh nhân tử vong, bao gồm cả hỗ trợ tổn thất tinh thần, chi phí mai táng. Trường hợp có con nhỏ dưới 18 tuổi sẽ tính thêm.
Song phía BV đa khoa Hoà Bình không đồng ý “cào bằng” mà tính toán theo từng trường hợp, căn cứ vào độ tuổi, tình trạng bệnh, dao động từ 140-242 triệu đồng, đồng thời yêu cầu gia đình cung cấp các hoá đơn chi phí mai táng nhưng thân nhân nạn nhân không đồng tình.
Vụ tai biến chạy thận tại BV đa khoa Hoà Bình khiến 8 người tử vong |
Ông Lê Xuân Hoàng, Phó giám đốc Sở Y tế Hoà Bình kiêm Giám đốc BV đa khoa Hoà Bình cho biết, BV yêu cầu gia đình cung cấp hoá đơn (không cần hoá đơn đỏ) để có căn cứ quyết toán.
“Trước mắt, BV dự kiến tạm ứng hỗ trợ trước mỗi gia đình 50 triệu đồng để lo các chi phí. Còn lại phải chờ phán quyết của tòa án. Khi đó phạt như thế nào chúng tôi chấp hành nghiêm”, ông Hoàng thông tin.
Đại diện gia đình 8 nạn nhân cho biết đã tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng.
Vụ 18 bệnh nhân bị tai biến khi chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình xảy ra hôm 29/5 sau khoảng 45 phút lọc máu. 7 trường hợp tử vong cùng ngày và 1 trường hợp tử vong vào rạng sáng 4/6.
Cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố vụ án với 3 bị can, trong đó có BS Hoàng Công Lương.
Yêu cầu có hoá đơn là chưa hợp lý
Luật sư Đoàn Trọng Bằng, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc BV yêu cầu phải có hoá đơn chứng từ là chưa hợp lý vì pháp luật chỉ yêu cầu bồi thường “chi phí hợp lý cho việc mai táng”.
Trong đó có những chi phí có thể xác định được theo tập quán địa phương và trong điều kiện bình thường như chi phí mua quan tài, chôn cất…
“BV nên xem xét, tạm xác định các chi phí đó và chi phí bồi thường tổn thất về tinh thần để tạm ứng trước một phần tiền cho gia đình nạn nhân để giải quyết khó khăn và làm giảm nỗi đau của gia đình họ. Sau khi thống nhất, thỏa thuận được mức bồi thường hoặc có phán quyết có hiệu lực của tòa án về việc bồi thường (nếu vụ việc được đưa ra tòa) thì thanh toán nốt số tiền bồi thường thiệt hại còn lại”, luật sư Bằng nói.
Về hình thức bồi thường, luật sư Bằng cho biết, theo điều 585 bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Việc bồi thường thiệt hại có thể dựa trên 2 cơ sở: Theo thoả thuận hoặc bồi thường theo quy định pháp luật.
Trường hợp những người bị tai biến chạy thận tử vong khi đang chạy thận nên sẽ được giải quyết bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo điều 591 bộ luật Dân sự.
Cũng theo điều 591, người chịu trách nhiệm bồi thường ngoài bồi thường thiệt hại vật chất, phải có một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
“Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho 1 người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”, luật sư Bằng phân tích.
Về thời hạn hưởng tiền cấp dưỡng, điều 593 bộ luật Dân sự quy định trường hợp bị chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống sẽ được hưởng tiền cấp dưỡng.
Cụ thể, người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ 18 tuổi, trừ trường hợp người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân.
Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet