GS Bình cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy nước chạy thận trong vụ tai biến y khoa ở Hoà Bình có hàm lượng fluoride cao gấp 263 lần cho phép, thậm chí sau 2 tuần xét nghiệm lại nguồn nước còn tồn dư trong máy cũng thấy hàm lượng chất độc này có thể gây chết người ngay lập tức. “Đây là chất rửa cực độc, không được phép sử dụng trong y tế. Vì chỉ cần nước này xâm nhập vào cơ thể là có thể gây ra tử vong ngay lập tức. Dù khi xảy ra tai biến, các đồng nghiệp ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình đã lập tức điều trị thải độc cho bệnh nhân sau khi phát hiện tai biến bất thường. Tuy nhiên đây là hóa chất quá độc nên nhiều bệnh nhân đã không thể qua khỏi” – GS Bình nói.
Theo GS Bình, hàm lượng fluoride cho phép trong nước chạy thận phải dưới 0,2 mlg/lít. Chỉ cần cao hơn 1 chút là có thể gây ra tai biến. Vì vậy chất lượng nước phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo sạch gần đến mức tinh khiết.
Vụ tai biến khi chạy thận ở Hoà Bình ngày 29.5 đã khiến 8 bệnh nhân tử vong (Ảnh: D.L) |
GS Bình khẳng định, vì là chất không được phép có trong quy trình chạy thận nên kể cả xét nghiệm mẫu nước trước khi chạy thận cho bệnh nhân cũng không phát hiện được, không ai lại xét nghiệm một chất không được phép sử dụng trong y tế. Do vậy, kể cả khi bác sĩ có nhận bàn giao theo đúng thủ tục thì vẫn xảy ra tai biến.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, fluoride tìm thấy trong vụ tai biến chạy thận ở Hoà Bình là chất tẩy dùng trong công nghiệp, cực độc. Thông thường, để xử lý hệ thống RO hoá chất này không được phép dùng mà chỉ dùng 3 hoá chất khác (thường sử dụng nước Javen) theo hướng dẫn của quốc tế và được kiểm soát chặt chẽ về hàm lượng.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cũng khẳng định, fluoride khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây tổn hại cho tế bào, nếu vào tim có thể gây tổn thương tế bào cơ tim, gây loạn nhịp tim, khiến nạn nhân tử vong rất nhanh. “Một chất độc hại như vậy lại xuất hiện trong quy trình xử lý nước dành cho bệnh nhân chạy thận. Vậy hoá chất này ở đâu, tại sao có?.Điều này cơ quan công an đang điều tra” – bác sĩ Nguyên nói.
GS Nguyễn Gia Bình (phải): Dù đã được điều trị thải độc ngay nhưng hoá chất quá độc nên nhiều bệnh nhân không qua khỏi |
TS Dũng cho biết, do không được phép sử dụng nên không bệnh viện nào đánh giá tồn dư chất fluoride có trong nước dùng cho chạy thận. Còn nếu để kiểm tra chất này có tồn dư hay không thì phải làm xét nghiệm thử 23 thông số. Việc xét nghiệm này mất ít nhất 10 ngày mới có kết quả. Nếu thế thì có hàng trăm bệnh nhân chạy thận bị lỡ thời gian chạy thận, càng nguy hiểm đến tính mạng.
Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 29.5, tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, BV Đa khoa Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bất ngờ xuất hiện triệu chứng khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn, ngứa. Sự cố nghiêm trọng này đã khiến 8 bệnh nhân tử vong. 10 bệnh nhân nhẹ hơn may mắn được cứu sống.