Kỷ niệm 70 năm cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Thông tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21/7/1954), ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng lòng thực hiện Hiệp định Giơnevơ. Ngày 29/7/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã gửi "Điện số 156/A" cho Trung ương cục Miền Nam về lựa chọn cán bộ ra Bắc tập kết và cán bộ để hoạt động ở Nam Bộ.
Thanh Hóa cùng với Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An là các tỉnh được Trung ương lựa chọn đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Cửa Hới (nay là phường Quảng Tiến, Tp.Sầm Sơn) là địa điểm được tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị để đón cán bộ, đồng bào miền Nam.
Để đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra tập kết ngay từ những ngày đầu, Trung ương đã giao cho Thanh Hóa xây dựng một bệnh viện tranh tre nứa lá, quy mô 800 giường bệnh do Bộ Y tế quản lý, có sự hỗ trợ kỹ thuật của bệnh viện tỉnh.
Vị trí trước đây con tàu cập bến đưa cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc nay thành Khu lưu niệm. |
Ngày 25/9/1954, chiếc tàu đầu tiên chở cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc cập bến Sầm Sơn. Trong 9 tháng (từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955), toàn tỉnh Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam.
Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc được phân công ra khắp các tỉnh của miền Bắc như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… để lao động, học tập và công tác.
Đối với đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam ở lại, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã bố trí, sắp xếp công ăn việc làm, đảm bảo đời sống lâu dài cho họ.
Theo kế hoạch 18h ngày 1/9/2024, tổ chức cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm hiệp định Giơnevơ và chuyến tàu tập kết (1954-2024). Sự kiện này sẽ được thực hiện truyền hình trực tiếp tại 3 điểm cầu là Tp.HCM, Thanh Hóa và Đồng Tháp.
Tổ chức các hoạt động nhân sự kiện 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhằm nêu bật những thành tựu to lớn của ngoại giao Việt Nam 70 năm qua, nhất là trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
Gấp rút hoàn thiện tượng đài "con tàu tập kết"
Nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn, để giáo dục truyền thống cách mạng và các tầng lớp nhân dân, nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh, tháng 8/2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khởi công dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
|
Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được xây dựng ven bờ sông Mã thuộc phường Quảng Tiến, Tp.Sầm Sơn.
Khu lưu niệm được chia làm 3 phân khu, trong đó khu A rộng khoảng 13.600m2 được coi là trung tâm với tượng đài hình con tàu và bức phù điêu lớn hình cánh cung.
Công trình có tổng vốn gần 255 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 76 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Tp.Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa.
Đến thời điểm hiện tại, hạng mục tượng đài "Con tài tập kết" dự kiến sẽ hoàn thành trước lễ kỷ niệm 70 năm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc vào ngày 1/9.
Tác giả: Phạm Xuân Chinh
Nguồn tin: nguoiduatin.vn