Pháp luật

Gần 4.000 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện trong 2 năm

Chỉ trong vòng 2 năm, gần 4.000 trẻ em bị xâm hại. Nhiều vụ hành hạ, ngược đãi, mua bán, chiếm đoạt và bắt cóc trẻ em được phát hiện.

Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021 - 2025.

Theo số liệu thống kê, trong 2 năm qua, toàn quốc phát hiện 3.748 vụ với 4.354 đối tượng, xâm hại 3.907 trẻ em. So với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020 giảm 220 vụ (tương đương 5,5%), với 218 trẻ em (tương đương 5,3%).

Cụ thể, xảy ra 1.193 vụ hiếp dâm trẻ em, bắt giữ 1.260 đối tượng, xâm hại 1.218 trẻ em; 29 vụ cưỡng dâm trẻ em, bắt giữ 30 đối tượng, 29 trẻ em bị xâm hại; 1.362 vụ giao cấu với trẻ em, bắt 1.369 đối tượng, 1.364 trẻ em bị xâm hại; 487 vụ dâm ô với trẻ em, bắt 487 đối tượng, 494 trẻ em bị xâm hại; 4 vụ liên quan đến việc sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm, bắt giữ 4 đối tượng, 4 trẻ em bị xâm hại…

Những vết thương tích trên người cháu bé 12 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) bị cha dượng hiếp dâm và mẹ đẻ bạo hành.

Ngoài ra, còn nhiều hành vi được thống kê rất rõ như giết trẻ em; giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ; cố ý gây thương tích với trẻ em; hành hạ trẻ em; ngược đãi trẻ em; mua bán trẻ em; chiếm đoạt trẻ em; bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản và nhiều hành vi khác…

Báo cáo kết quả 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 506 của Bộ Công an nêu rõ: Qua 2 năm, Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 liên ngành Trung ương và địa phương đã có hơn 400 báo cáo Quốc hội, Chính phủ về tình hình, công tác chấp hành pháp luật, kết quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai mạng lưới ứng cứu khẩn cấp trẻ em trên không gian mạng, đã tiếp nhận phản ánh, thu thập, xử lý hơn 700 vụ việc sử dụng các hình ảnh trang mạng tiêu cực ảnh hưởng đến trẻ em.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát huy hiệu quả Tổng đài quốc gia về trẻ em (Tổng đài 111), đã tiếp nhận 355.000 cuộc gọi tư vấn, trao đổi về bảo vệ quyền trẻ em như trẻ em bị bạo lực, bóc lột, nghi mua bán…

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thành lập, đưa vào sử dụng 33 mô hình Phòng Điều tra thân thiện trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mới 19 mô hình, duy trì 5 mô hình "Phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật tại cộng đồng" tại 11 địa phương, để kèm cặp, giáo dục, chấp hành pháp luật cho gần 2.300 em.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em và trẻ chưa thành niên phạm tội đa phần xuất phát từ môi trường sống; áp lực kinh tế của mỗi gia đình khiến cha mẹ lơ là việc quan tâm, chăm sóc, quản lý, giáo dục con em; gia đình và nạn nhân là trẻ em bị xâm hại còn mặc cảm, tự ti, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự của gia đình nên không tố giác tội phạm, dẫn tới việc sót lọt tội phạm ngoài xã hội;

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các vùng miền cũng có sự chênh lệch. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, cùng với đó là những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, cướp vợ… cũng là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ em bị xâm hại.

Tác giả: Nam Anh

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok