Tính đến ngày 19/6, trên địa bàn tỉnh có 1.287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 42,9% kế hoạch, bằng 78,4% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước, vốn điều lệ đăng ký đạt 8.877 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 6,9 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Thanh Hoá có 1.287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023. |
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới. Tổ chức 30 khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, bồi dưỡng kiến thức về quản trị kinh doanh cho 1.200 học viên; tổ chức 28 lớp tập huấn cho 2.700 học viên về sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 để kịp thời tiếp nhận, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và động viên, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân tích cực lao động, sáng tạo nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh vẫn có 750 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, có 406 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 46,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 8,9% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động tăng 77,5% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Những con số cho thấy công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 đang gặp khó ở hầu hết các địa phương, các ngành nghề, lĩnh vực. Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là về thị trường, đơn hàng, giá cả nguyên vật liệu, nguồn vốn…Nhiều doanh nghiệp đã phải hoạt động cầm chừng hoặc tìm mọi cách xoay sở để duy trì việc làm cho người lao động.
Với mục tiêu thành lập mới 3000 doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, tỉnh Thanh Hóa sẽ phải thành lập mới gần 2000 doanh nghiệp nữa. Đây là thách thức rất lớn, do đó, Ban Chỉ đạo phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tập trung rà soát, đôn đốc công tác phát triển doanh nghiệp tại các địa phương khó khăn. Đồng thời khẩn trương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tạo cơ sở khuyến khích phong trào khởi nghiệp và thu hút phát triển doanh nghiệp tại địa phương.
Theo dự báo từ nay đến cuối năm, nền kinh tế vẫn còn tiếp tục phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát gia tăng tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh và nhu cầu thành lập doanh nghiệp. Trước thực tế này, các ngành, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển doanh nghiệp đã đề ra.
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn