Giáo dục

"Đừng nghĩ quà 20/11 to sẽ được cô quan tâm hơn..."

Cô giáo Trần Thị Bích Liên (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm) một trong những cá nhân được tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của Hà Nội năm 2017.

"Học trò cũ đưa con tới thăm, tôi vô cùng xúc động"

Gần 30 năm đứng trong ngành giáo dục, mỗi một vị trí, mỗi một ngôi trường đều để lại cho chị những kỷ niệm đẹp...

Cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hà Nội

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, chị Liên được phân công dạy ở Trường Tiểu học Điện Biên cũng thuộc quận Hoàn Kiếm. “

Đó là một ngôi trường rất nhỏ chưa tới 500m2, học sinh chủ yếu sống ở gần ga Hàng Cỏ. Thời đó, các em buổi sáng đi học, buổi trưa về lại lên tàu bán nước chè tươi theo tuyến Hà Nội - Thanh Hóa. Dù điều kiện khó khăn, nghèo khổ như vậy nhưng các em rất tình cảm và luôn cố gắng. Từng đó đủ để làm tôi hài lòng”.

Từ 2010, chị chuyển về Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.

“Có những chuyện khiến tôi nhớ mãi như buổi trưa, các con viết những bức thư cảm ơn cô rồi nhét qua ô cửa sổ, hay ngày lễ các con làm những tấm bưu thiếp nhỏ tặng cô”.

30 năm trong nghề với nhiều đổi thay của xã hội, song với chị, thành tích của các học trò đạt được vẫn là những bó hoa đẹp nhất, món quà lớn nhất mà khi nhận được, cảm xúc không hề bị bào mòn theo thời gian.

“Giờ đây, phụ huynh suy nghĩ thực dụng hơn, như phải tặng các thầy cô món quà gì đắt tiền, giá trị hay phong bì phải bao nhiêu. Người này thấy người kia làm vậy rồi nghĩ mình không có sẽ áy náy. Nhưng thử đặt chọn giữa thành tích rực rỡ của học trò và phong bì mà phụ huynh đưa, tôi tin các giáo viên sẽ hạnh phúc hơn nhiều với những điều mà các con làm được".

Chị Liên cho rằng đôi khi vì tâm lý "phải có quà to" khiến phụ huynh nảy sinh suy nghĩ và cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện cảm với thầy cô.

“Nhiều khi phụ huynh tự nghĩ ra những việc như sau ngày 20/11 con bị phê bình là do trước đó mình không tặng gì hoặc quà bé. Đó là ngộ nhận. Tôi nghĩ giáo viên không ai như vậy. Còn nếu có suy nghĩ và hành động đó thì họ thật sự không còn xứng đáng để đứng trên bục giảng”.

Với chị Liên, hạnh phúc đối với nghề giáo là sự trân trọng của phụ huynh và học sinh.

“Nhà gần nên mỗi ngày tôi đều đi bộ đến trường. Điều vui nhất là trên đường đi tôi thường nhận được những câu chào, lời hỏi thăm".

Khi nhận những bức thư, bưu thiếp với dòng chữ còn vụng về rằng Con yêu cô lắm, rồi học sinh cũ khi đã lập gia đình vẫn đưa con đến chơi, cháu bé nói Chúc mừng bà nhân ngày 20/11..., thực sự trái tim tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.

Hai năm gần đây, món quà ý nghĩa với cô giáo Liên là những tấm huy chương liên tiếp của học sinh ở Kỳ thi Vô địch các đội tuyển Toán Thế giới.

"Chẳng giáo viên nào mong muốn bố mẹ cứ mang quà đến nhà cô nhưng các con thì không chịu học" - chị Liên trầm giọng.

Trường có một học sinh mất đi cả bố và mẹ vì tai nạn giao thông, chúng tôi tự bảo nhau và cùng lo cho con toàn bộ tiền học, quần áo và sách vở. Còn nhiều hoàn cảnh khác như vậy nữa, các thầy cô đều sẵn sàng đồng hành để các con tiếp tục đến trường, mà không cần bất cứ sự "quan tâm" nào từ phụ huynh”.

Giá trị từ sự tâm huyết

Ở thời kỳ mà mạng xã hội phát triển, chỉ đưa thông tin một vài cá nhân không tốt ở đâu đó là có thể bị thổi bùng lên về thực trạng đội ngũ giáo viên, chị Liên cho rằng thực tế vẫn có rất nhiều tấm gương thầy cô tâm huyết, hết mình vì học trò.

“Năm trước, trường tôi có em học sinh lớp 1 bị ung thư máu, cô giáo chủ nhiệm tuần nào cũng vào bệnh viện để thăm và hỗ trợ cùng phụ huynh”.

Bản thân chị Liên khi vào bệnh viện thăm học sinh, chứng kiến thêm nhiều hoàn cảnh khác đáng thương không kém, đã suy nghĩ tổ chức Hội chợ Tết nhân ái vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua để gây quỹ ủng hộ.

Cô giáo Liên là một trong những điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của Hà Nội

“Việc này nhận được rất nhiều sự đồng lòng ủng hộ của cha mẹ học sinh. Trong khoảng thời gian ngắn, chúng tôi đã quyên góp được hơn 70 triệu đồng. Ngoài giúp đỡ học sinh của trường, chúng tôi còn tặng 70 suất quà với mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt cho các bệnh nhân nhỏ tuổi không được về nhà đón Tết”.

Theo chị Liên, qua những hoạt động đó, phụ huynh hiểu hơn và thêm niềm tin với nhà trường, thầy cô.

Xác định chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục nhà trường, chị đã định hướng tập trung bồi dưỡng đội ngũ, đặc biệt là giáo viên trẻ.

Chị động viên giáo viên chủ động trong công việc và tạo môi trường đoàn kết, dân chủ để họ khẳng định mình và tự giác cống hiến.

Bên cạnh việc tạo điều kiện để giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chị cũng tích cực mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực để tập huấn thêm về các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh.

“Tôi nghĩ rằng đã là hiệu trưởng thì trước tiên mình phải thực sự gương mẫu trong mọi việc, từ tự học cho đến ứng xử với phụ huynh, học sinh. Tôi nghĩ, cứ làm một cách thật tâm thì anh em giáo viên, phụ huynh và học sinh chắc chắn sẽ cảm nhận được và sẽ đồng hành với mình. Có như vậy thì mới truyền cảm hứng được tới các giáo viên”.

Chị Liên còn rất quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp phong phú và có tính giáo dục cao như Rung chuông vàng, Thi hát và kể chuyện bằng Tiếng Anh… Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh làm quen với giáo dục STEM như học lập trình robot, cùng tái chế vỏ chai nhựa, hộp cacton… thành những sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường.

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: 20/11 , nhà trường , giáo viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok