Giáo dục

Đừng giao trẻ cho bất cứ ai trông giữ!

Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng “Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, không thể dung thứ cả về pháp lý lẫn đạo đức xã hội…”, hẳn vấn đề đã thật sự nghiêm trọng.

Và như thế, trách nhiệm ngăn chặn, phòng ngừa không chỉ cứ phó thác hết cho các cơ quan hữu trách mà mỗi tổ chức, nhà trường và gia đình phải thật sự là chỗ dựa vững chắc để con trẻ được an toàn tuyệt đối…

Có tới 73% số thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là người quen với nạn nhân. Ảnh minh họa

Theo Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an), đối tượng thực hiện hành vi này thường là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ, người quen biết, hàng xóm… Đây thực sự là vấn đề rất nghiêm trọng, cho thấy phần lớn phụ huynh quá chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong việc bảo vệ con trẻ. Nó có thể xuất phát từ văn hóa ứng xử gần gũi giữa những người thân quen mà ở đó gần như không có nguyên tắc hoặc giới hạn nào được đặt ra. Điều này rất cần được thay đổi càng nhanh càng tốt.

Cách đây đúng một năm, tại hội thảo của Tổng cục Cảnh sát, một người cha từ Cần Thơ đã lặn lội đến tận nơi chỉ để cảnh báo các bậc cha mẹ. Dù đã cân nhắc rất kỹ khi chia sẻ câu chuyện của con gái mình nhưng anh vẫn bật khóc. Anh cho biết hai vợ chồng thường tin cậy gửi con cho hàng xóm hiền lành. Và bi kịch đã xảy ra…

Đây thực sự là một câu chuyện thương tâm nhưng không cá biệt. Tuy nhiên, việc tác động truyền thông ở khu vực nông thôn vẫn còn quá khó khăn. Phần lớn các vụ trẻ bị xâm hại xảy ra ở vùng sâu vùng xa, người lớn đi làm, các cháu bé ít được trông coi. Ở nhiều nơi, nhà cửa cách xa nhau, các cháu đi học cũng tự đi một mình. Thậm chí khi vụ việc đã xảy ra, các cháu bé còn không biết đó là hành vi bị xâm hại, cha mẹ các cháu không dám theo đuổi vụ việc đến cùng vì sợ mang tiếng và cả sợ con cái bị đeo dính mặc cảm về sau.

Nhiều bậc cha mẹ ở đô thị đã tiếp nhận truyền thông nhanh hơn và có nhiều thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn rất, rất nhiều cha mẹ cũng chỉ phòng ngừa nguy cơ từ hàng xóm, từ người quen chứ không cẩn trọng với chính người thân trong gia đình. Những nguyên tắc, những giới hạn dễ dàng được đặt ra cho người quen nhưng vẫn khó đặt ra cho người thân, bởi sự ràng buộc của tình cảm gia đình. Họ quên mất rằng ngay từ trong gia đình vẫn có những tình huống có thể thúc đẩy hoặc tạo điều kiện cho việc xâm hại con trẻ.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng cha mẹ cần dạy cho trẻ càng sớm càng tốt việc từ chối sự âu yếm, nựng nịu từ người khác, kể cả người cùng giới. Họ chỉ được phép âu yếm trẻ khi có mặt cha mẹ của trẻ ở đó với giới hạn cho phép.

Sẽ có thể có những phản ứng khó chịu hoặc tổn thương từ những người vốn đã quen nếp văn hóa thân gần, suồng sã, xởi lởi của người Việt. Nhưng đây là việc phải được nhắc nhở thường xuyên trong gia đình và nhà trường, trước hết là vì quyền lợi của trẻ, kế đến vì đó là sự điều chỉnh hành vi để người lớn văn minh hơn. Mọi người cần được tôn trọng từ trong lời nói đến thái độ, bao gồm cả trẻ em. Cũng chính vì người lớn lơ là việc dạy trẻ tôn trọng bản thân nên nhiều em nhỏ đã không hề phản ứng vì không biết hành vi của người lớn đối với mình như thế đã là xâm hại.

Đại tá Nguyễn Hữu Sự, Phó Cục trưởng C45, đã chia sẻ:“Nhiều vụ xâm hại trẻ em vẫn bị bỏ qua. Chúng tôi sẽ xây dựng một quy trình để việc tiếp nhận, xử lý hiệu quả hơn, không để lọt tội phạm”. Hiện nay TP.HCM đã xây dựng được quy trình xử lý các trường hợp trẻem bị bạo lực, xâmhại tình dục trên địa bàn, hạn chế bỏ lọt tội phạm. Đây là điểm rất tích cực của TP.HCM.

Tuy vậy, các công cụ pháp luật cũng chỉ để xử lý sự việc đã rồi. Hơn ai hết, các phụ huynh cần ngăn ngừa mọi khả năng xấu xảy ra cho con em mình bằng cách: Tuyệt đối không giao trẻ cho bất cứ ai trông giữ, ngoài nhà trường và bố, mẹ của trẻ!

Tác giả: HỒNG MINH

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

  Từ khóa: giao trẻ , trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok