Chùa Mèo. |
Lang Chánh được các nhà sử học đánh giá là một vùng đất tối cổ, hình thành từ buổi bình minh của người Việt cổ. Khi đặt chân đến Lang Chánh, ấn tượng đầu tiên của du khách là cảnh non xanh nước biếc, với những rừng luồng bạt ngàn chạy dọc hai bên đường, luồng xanh ngát phủ kín từ chân đến đỉnh đồi, luồng mọc cả trên những triền núi đá, xen kẽ giữa các vạt rừng nguyên sinh trầm mặc, soi bóng xuống dòng sông Mã hiền hòa.
Giữa chốn sơn thủy hữu tình, đỉnh núi Chí Linh (cao trên một nghìn mét so với mực nước biển) sừng sững giữa mây ngàn. Núi Chí Linh có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ với những cánh rừng già trùng điệp, những thác nước ào ào tuôn chảy suốt đêm ngày, những bản người Thái nguyên sơ như bản Năng Cát - Trí Nang, bản Nàng Đang - Lâm Phú. Đặc biệt hơn, nơi được gọi là “Sa Pa” của xứ Thanh này (do khí hậu mát mẻ, trong lành) còn được coi là vùng đất đã sản sinh ra bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường và “Ằm ệt luông” của đồng bào dân tộc Thái. Chưa hết, Lang Chánh - Chí Linh còn là nơi nghĩa quân Lam Sơn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi từng đóng quân, tập luyện và chiến đấu với giặc Minh trong những ngày đầu dấy binh gian khổ. Những địa danh, tên sông, tên suối, tên chùa như thác Ma Hao, chùa Mèo, suối Láu… đều gắn với những giai thoại về nghĩa quân Lam Sơn ngày đầu dựng nước.
Nằm cách trung tâm thị trấn Lang Chánh 1km, chùa Mèo là một ngôi chùa nức tiếng linh thiêng, được xây dựng từ thế kỷ XIII, ban đầu có tên là chùa Chu, do được Công chúa nhà Trần Chu Huyền cùng nhà Lang Mường Chếnh xây dựng. Chùa có địa thế đẹp, tả thanh long, hữu bạch hổ (núi Pù Bằng và Bù rinh) mặt trước hướng ra sông Âm, đã từng được xếp vào hạng “đệ tam linh tự” ba ngôi chùa đẹp, thiêng nhất nước Nam “nhất Hương, nhì Hà, ba Chu” (chùa Hương, chùa Hà và chùa Chu, tức chùa Mèo).
Cùng với chùa Mèo, nơi đây còn có thác Ma Hao mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Thác Ma Hao là dòng thác lớn nhất của dòng sông Cảy, bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh, được hình thành từ những dòng suối nhỏ từ trong những cánh rừng già hợp thành con suối lớn đổ xuống tạo nên thác Ma Hao. Nằm dưới chân núi Chí Linh, cách Ma Hao không xa là bản nguyên sơ Năng Cát, xã Trí Nang. Nơi vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những nếp nhà sàn cổ của người Thái đen miền tây Thanh Hóa, nhà có không gian kiến trúc độc đáo, hiếm gặp ở các bản làng vùng cao, vừa cao rộng, vừa thoáng mát, ấm cúng, phần lớn là nhà 4 gian, 2 chái. Thú vị hơn, tên bản Năng Cát cũng gắn với truyền thuyết của nghĩa quân Lam Sơn. Theo đó, trong một lần hành quân, qua đây khi trời đã về chiều, Lê Lợi cho ba quân hạ trại, nấu cơm, quân sỹ mang nồi niêu ra khe suối để vo gạo, lấy nước nấu cơm. Vì quân đông, lại vội vàng nên làm khe cạn, nước nấu cơm lẫn cả cát dưới khe. Khi dùng bữa, thấy có cát dưới đáy nồi cơm, để khắc ghi dấu ấn những ngày đầu gian khổ, Lê Lợi liền đặt tên cho vùng đất này là Năng Cát, tên ấy ngày nay vẫn được lưu giữ và mang tên bản Năng Cát.
Thác Ma Hao. |
Cũng gắn với truyền thuyết nghĩa quân Lê Lợi, Lang Chánh còn có những địa danh khác như suối Vớ ở xã Giao An. Tương truyền, đây là nơi Nguyễn Trãi, trong những ngày “nằm gai nếm mật” đã cho người dùng mật, bôi lên lá cây dòng chữ “Lê Lợi vi vương, Lê Lai vi tướng, Nguyễn Trãi vi thần”, sau đó, kiến rừng ăn mật, vô tình đục thủng lá cây, để lại dòng chữ trên khiến cho quân sỹ tin tưởng đây là mệnh trời, thêm dốc lòng đánh giặc. Cạnh suối Vớ còn có suối Láu, theo truyền thuyết, nơi đây thủ lĩnh Lê Lợi đã cho đổ rượu xuống suối, cùng ba quân múc uống “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Được gọi là “Sa Pa của xứ Thanh”, Khu Du lịch sinh thái bản Năng Cát - Thác Ma Hao, điểm du lịch cộng đồng xã Trí Nang, nằm dưới chân núi Chí Linh có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm từ 15 - 180C. Ngoài khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, nơi đây còn có trang trại nuôi cá tầm, cá hồi. Nằm sâu trong dãy núi Pù Rinh, trang trại nuôi cá này cũng là một điểm tham quan hấp dẫn, đến đây du khách sẽ có cảm giác như đang ở vùng ôn đới của châu Âu khi tận mắt thấy những đàn cá từ xứ lạnh xa xôi tung tăng bơi lội.
Về Lang Chánh, để cảm nhận, hiểu sâu về vùng đất, văn hóa và con người nơi đây, du khách nên chọn hình thức du lịch homestay, ăn ngủ, nghỉ trong những ngôi nhà sàn cổ của người Thái tại bản nguyên sơ Năng Cát. Để nâng cao chất lượng phục vụ, người dân trong bản đã được tham gia các lớp tập huấn về du lịch, kỹ năng giao tiếp, luyện tập phục hồi những điệu múa, bài xòe cổ, trang phục truyền thống của dân tộc. Nhà văn hóa của bản có đầy đủ các loại trống, chiêng, nhạc cụ dân tộc, bàn ghế, mâm cơm, các đồ dùng bằng mây tre đan, nhà cho du khách nghỉ có đầy đủ điện, nước, ti vi, sóng điện thoại… đặc biệt, về ẩm thực, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn ngon, lạ, dân dã mang đậm hương vị núi rừng, tất cả đều là sản phẩm sạch do người dân tự tăng gia, sản xuất và tìm bắt, thu hái trong rừng, dưới khe suối. Có thể kể đến các món ăn như: ốc suối, cá suối, măng rừng, gà nướng, cá tầm, cá hồi nướng, cá tầm hấp, canh đắng, lợn mán, các loại rau rừng, cơm lam, rượu cần, rượu siêu men lá… Còn gì thú vị hơn khi thấm mệt vì lội suối, băng rừng, khám phá thiên nhiên, đắm mình giữa làn nước mát, ngả lưng trên phiến đá phẳng lỳ bên suối hay giữa thảm cỏ xanh, tâm hồn thư thái thưởng thức bản hòa tấu của nước của núi rừng. Xen lẫn giữa tiếng ào ào của thác nước, tiếng vượn kêu, chim hót… trong hành trình khám phá, lần theo dấu vết người xưa, du khách giàu trí tưởng tượng còn mơ hồ vẳng nghe trong gió tiếng ngựa hí, quân reo của nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày đầu khởi binh chống giặc, để rồi thêm trân trọng quá khứ hào hùng của ông cha, những bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước.
Rồi khi chiều xuống, trở về nơi nghỉ, từ trên cửa sổ nhà sàn nhìn xuống, ngắm làn khói lam chiều vương trên mái bếp, đàn trâu đủng đỉnh về chuồng, lắng nghe tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng lợn ủn ỉn đòi ăn, tiếng gà xao xác gọi nhau lên chuồng… khi nắng tắt, đêm về, cùng chủ nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng, thưởng thức món cá hồi nướng, quấn trong lá sa lăng vừa bùi vừa đắng, món gà nướng chấm muối rang trộn với hạt mắc khẻn, nhấp chén rượu men lá cay nồng... Sau bữa ăn, nếu hứng thú, du khách sẽ cùng người dân tham gia những tiết mục văn nghệ, thưởng thức các điệu múa, điệu xòe trong tiếng chiêng, tiếng phách của đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” gồm các chị, các em người dân tộc Thái. Đêm khuya, quấn mình trong đệm ấm, chăn êm giữa cái lạnh của miền sơn cước, nghe tiếng sương rơi tí tách trên tán cây, tiếng gọi nhau da diết của đôi chim khảm khắc lúc gần, lúc xa, tiếng róc rách của dòng suối… rồi chìm sâu vào giấc ngủ, còn thú vị nào bằng.
Được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, cùng với một phần ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đầu tư vào hạ tầng cơ sở như đường giao thông từ tỉnh lộ vào điểm du lịch, bãi để xe cho du khách, công trình vệ sinh, đường lên thác Ma Hao, đèn chiếu sáng... Trong mấy năm gần đây, những tiềm năng, thế mạnh về du lịch của Lang Chánh đã có sự khởi sắc mạnh mẽ, hứa hẹn trong tương lai không xa sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Từ chỗ gần như chưa có gì, đến nay Lang Chánh đã có nhiều sản phẩm, loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách như: Du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên… và đang dần thu hút du khách tìm về ngày một đông. Về Lang Chánh, về với thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, với những huyền thoại về nghĩa quân Lam Sơn, với những chủ nhân người dân tộc Thái, Mường chất phác và mến khách. Du lịch Lang Chánh như “nàng sơn nữ sau giấc ngủ dài” đang tỉnh giấc, mời gọi du khách bốn phương.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: Báo Xây dựng