2 tháng sau khi ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, vào ngày 20/2/1947, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, khi ấy đang là vùng tự do. Trong lúc cả nước đang dốc sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác đã nhìn thấy tiềm lực to lớn của tỉnh Thanh.
Người kêu gọi, động viên và yêu cầu tỉnh nhà phải “xắn tay áo làm đi”, “quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu” để đóng góp được nhiều hơn cho cuộc kháng chiến và cho đất nước.
Đoàn dân công Thanh Hóa chở lương thực bằng xe thồ ra mặt trận |
Tại Đình Tam Lạc, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) diễn ra lễ công bố thành lập Đại đoàn 304 (Đại đoàn Vinh Quang) - Đại đoàn chủ lực thứ 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều gia đình ở xã Xuân Thọ có từ 3 đến 4 người con đi bộ đội chống Pháp; hơn 3.000 lượt người trong xã đã tham gia 78 đợt dân công phục vụ các chiến dịch Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 304 đã tham gia 9 chiến dịch, là đơn vị bao vây, cắm cờ làm chủ Hồng Cúm - Điện Biên Phủ.
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo toàn dân xây dựng, bảo vệ căn cứ, hậu phương kháng chiến chống Pháp. Đi đôi với khuyến khích nông dân khai hoang, phục hóa, thi công các công trình thủy lợi, thực hiện “người cày có rộng”, phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, xây dựng công binh xưởng ở nông thôn, “lò cao kháng chiến” trong hang núi ở xã Hải Vân, huyện Như Thanh, phát triển lực lượng vũ trang địa phương; quân và dân Thanh Hóa vừa xây dựng hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ, vừa trực tiếp chiến đấu, bẻ gãy các cuộc tiến công của địch sang vùng tự do, tiễu phỉ ở vùng thượng du, đập tan các tổ chức phản động gián điệp, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn.
Ông Cao Văn Tỵ, ở thị xã Thanh Hóa, chiến sĩ xe đạp thồ đạt thành tích 325kg/ chuyến tiếp vận chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Theo lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1945-2005, “Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng của cuộc kháng chiến, đã huy động 34.177.235 ngày công làm cầu, đường và tiếp vận, phục vụ 5 chiến dịch lớn: Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ; huy động hàng vạn tấn lương thực và thực phẩm, đáp ứng 70% nhu cầu chiến dịch; động viên 56.792 thanh niên vào bộ đội bổ sung cho các chiến trường”. Riêng năm 1953 và 6 tháng đầu năm 1954, Thanh Hóa có tới 28.890 thanh niên nhập ngũ, bằng tổng quân số tuyển quân 7 năm, từ năm 1946-1952.
Thanh Hóa đóng góp to lớn sức người, sức của trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954, cùng quân dân cả nước thực hiện trận quyết chiến chiến lược tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Chuẩn bị cho chiến dịch, cuối năm 1953, Trung ương giao và Thanh Hóa mở thông tuyến đường 41 lên Điện Biên Phủ. Tỉnh xây dựng hệ thống kho, trạm trên tuyến đường vận tải; huy động thanh niên xung phong sửa đường, bắc cầu cho bộ đội, dân công ra tiền tuyến, triển khai vận chuyển những chuyến hàng đầu tiên cho chiến dịch.
Đợt đầu, Trung ương giao Thanh Hóa cung cấp 1.352 tấn gạo tại Hồi Xuân (Quan Hóa) và 100 tấn thực phẩm, giao tại Sơn La. Đầu tháng 3/1954, Trung ương tiếp tục giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo, 165 tấn thực phẩm, cung cấp tại Km22 đường 41.
Tháng 4/1954, Trung ương yêu cầu Thanh Hóa cung cấp 2.000 tấn gạo, gần 300 tấn thực phẩm và phải hoàn thành trước ngày 31/5/1954. Đang thời kỳ giáp hạt, Thanh Hóa đã huy động trong nhân dân rẽ, thu hoạch những vạt lúa chín, tiếp tế cho chiến trường.
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930-1954: Thanh Hóa đã huy động hơn 200.000 dân công dài hạn và ngắn hạn, huy động hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 con ngựa thồ, 3 con voi thồ hàng; cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng chục tấn rau, đậu, lạc, vừng... phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ quyết thắng.
Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ 2 vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn