Thành tích U23 Việt Nam là cú hích cho bóng đá nội trong những ngày tới, nhưng với điều kiện là chúng ta có sự khoa học trong các hoạt động bóng đá nói chung, cũng như chính lứa cầu thủ hiện tại tiến bộ một cách đều đặn.
Hiện tại, ngay cả khi đã tạo kỳ tích ở giải U23 châu Á, chúng ta vẫn không dám nói chắc đội tuyển quốc gia có đi đến cùng ở AFF Cup vào cuối năm nay hay không? Có đủ sức đánh bại Thái Lan để lên ngôi vô địch Đông Nam Á như mong đợi của người hâm mộ hay không? – Vì khoảng cách giữa đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia của mọi nền bóng đá vẫn là không hề nhỏ.
Ngay đến HLV Park Hang Seo cũng đã sớm phát đi thông điệp dành cho các học trò của chính ông, trong buổi giao lưu với người hâm mộ TPHCM chiều tối 4/2, trên sân Thống Nhất: “Tôi sẽ không mắc bệnh ngôi sao, sẽ không tự mãn, sẽ tiếp tục phấn đấu không ngừng nghỉ với bóng đá Việt Nam, để giành được những thành tích tốt hơn”.
Sau thành công tại giải U23 châu Á, mong các tuyển thủ U23 Việt Nam giữ vững đôi chân trên mặt đất, để tiếp tục tiến bộ |
Thái độ tự mãn và bệnh ngôi sao đúng là không nên xuất hiện nơi toàn bộ các thành viên của đội tuyển U23 Việt Nam, và cũng đúng là không thừa khi HLV Park Hang Seo sớm nhắn nhủ toàn đội như vậy.
Từ đội tuyển U23 lên đến đội tuyển quốc gia vẫn là một khoảng cách không nhỏ, từ trình độ của các giải U23 cho đến các giải dành cho những đội tuyển quốc gia vẫn là con đường dài phía trước.
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam cũng đã có trường hợp một ngôi sao rực sáng ở cấp độ U23 trở xuống, nhưng lại không thể toả sáng trong sắc áo đội tuyển quốc gia, đó là trường hợp của Phạm Văn Quyến.
Lần duy nhất Văn Quyến loé sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia là lần đội tuyển Việt Nam đánh bại Hàn Quốc ở vòng loại World Cup 2006. Nhưng khoảnh khắc như thế không nhiều, và Văn Quyến vẫn chỉ chủ yếu được người ta biết tới ở các kỳ SEA Games, tức là đấu trường dành cho lứa tuổi 23, chứ chưa là ngôi sao lớn ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
Ngược lại, có những cầu thủ nổi tiếng rất chậm, như Anh Đức, như Phan Văn Tài Em, họ hầu như không có tên tuổi gì ở các giải trẻ, nhưng càng trưởng thành càng xuất sắc, nhờ chuyên cần trong tập luyện, chuyên tâm trong vấn đề chuyên môn, trước khi đạt được những thành tựu lớn ở cấp độ đội tuyển quốc gia, được đánh giá cao trong sự nghiệp cầu thủ.
Các tuyển thủ U23 Việt Nam vừa tạo kỳ tích tại giải U23 châu Á vì thế vẫn còn cần phải cố gắng nhiều nữa. Sẽ không phải là đơn giản khi chúng ta đối đầu với Thái Lan, Malaysia hay thậm chí là Philippines tại AFF Cup vào cuối năm nay, vì đội tuyển quốc gia của các nền bóng đá vừa nêu khác rất xa đội tuyển trẻ của chính họ.
Bản thân các cầu thủ khi trở lại CLB để đá giải quốc nội cũng cần cố gắng nhiều hơn, trước tiên là để chiếm được suất đá chính trong màu áo đội bóng chủ quản, tiếp đến là giữ được sự phát triển ổn định cho mình.
Ví dụ như Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng), Phan Văn Đức (SL Nghệ An)… dù tạo dấu ấn ở giải U23 châu Á, nhưng họ vẫn chưa là gì so với mặt bằng các chân sút hàng đầu V-League, nên họ cần cố gắng nhiều hơn nữa.
Như thủ môn Bùi Tiến Dũng vẫn có thể không chắc suất thi đấu chính thức ở FLC Thanh Hoá, vì đơn giản đội bóng xứ Thanh còn không ít thủ môn xuất sắc khác gồm Thành Thắng và Bửu Ngọc, những người đã chứng tỏ năng lực tại V-League nhiều năm nay, tức là vẫn có điểm hơn so với Tiến Dũng riêng ở thời điểm hiện tại.
Hoặc như dàn cầu thủ trẻ của HA Gia Lai dù đóng góp nhiều tuyển thủ ở đội tuyển U23 Việt Nam, nhưng họ thi đấu thế nào ở V-League 2018 vẫn là câu hỏi lớn? Có lột xác so với các mùa trước hay không?
Sẽ là tín hiệu rất vui nếu như các cầu thủ và các đội bóng đóng góp nhiều tuyển thủ U23 Việt Nam chơi ổn định tại V-League sắp khởi tranh, thể hiện sự tiến bộ cả về năng lực chuyên môn lẫn bản lĩnh sau giải U23 châu Á. Và để có điều đó thì trước tiên các cầu thủ phải giữ được đôi chân trên mặt đất, sau ánh hào quang mà họ vừa có được, để phát triển đúng hướng!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí