Trong tỉnh

Doanh nghiệp "chạy" 3 mỏ cát - dòng sông biến dạng, dân lo!

Đoạn sông Mã từ xã Cẩm Vân đến xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy gần 2km nhưng đã có tới 3 mỏ được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác cát. Các mỏ này ngày đêm hút cát, hậu quả là những cánh đồng màu của người dân hai bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, dòng sông biến dạng, nhiều trục đường bị xuống cấp vì xe chở cát quá tải…

Bức xúc vì 3 mỏ cát... gần nhau

Khi chúng tôi đến, 3 mỏ cát trên địa bàn 2 xã Cẩm Tân và Cẩm Vân đã hết hạn khai thác, hiện tạm đóng cửa. Tuy nhiên, điều dễ nhìn thấy là dọc 2 bờ sông Mã, đoạn nằm trong khu vực được cấp phép khai thác trước đó, dòng sông đã biến dạng, nhiều nơi bị mất hàng chục ha đất trồng màu của dân vì trước đó bị mất kiểm soát do hút cát với khối lượng lớn.

Bà Lê Thị L cho biết: “Trước đây, nhà tôi có đất trồng màu gần sông, nhưng giờ không còn nữa, vì đã bị sạt hết xuống sông này…Vừa rồi, dân làng nghe nói chủ cát “chạy” chính quyền để được cấp khai thác cát trở lại. Nếu tỉnh đồng ý, việc này đồng nghĩa với hàng trăm ha đất màu bị mất do khai thác cát, hàng trăm lao động của xã Cẩm Tân và Cẩm Vân biết làm gì để có thêm thu nhập?...”.

Bãi màu đoạn sông giữa mỏ cát số 45 và 46 bị sạt lở nghiêm trọng.

Đi dọc theo 2 bờ sông Mã, ở các thôn: Quan Phác, Tiên Lăng, Vân Trai, Đồi Vầng, Quan Bằng…, chúng tôi chứng kiến cảnh sạt lở nghiêm trọng do vừa qua mùa mưa lũ cộng với nạn khai thác cát bừa bãi, khiến diện tích đất canh tác của nhân dân bị thu hẹp dần. Phóng viên tự hỏi: tại sao chỉ một đoạn sông ngắn chưa đầy 2km, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép cho 3 mỏ cát hoạt động (mỏ 45, 46, 47), trong khi đoạn sông này có nhiều khúc cua, tiếp giáp với trục Quốc lộ 217…!?

Đem thắc mắc này trao đổi với người có thẩm quyền, chúng tôi được ông Trần Đăng Khoa, cán bộ địa chính xã Cẩm Vân cho biết: “Trên địa bàn xã có 2 mỏ cát 45, 46 và xã Cẩm Tân có mỏ 47, cả 3 mỏ đều đã hết hạn khai thác. Hiện trên địa bàn xã có tới 4 điểm sạt lở, với diện tích hàng chục nghìn m2 ở các thôn: Vân Trai, Bến Vầng, Cát Khánh, Vân Lâm, Bãi Chảy”.

“Sạt lở” hay “không sạt lở” ?

Ngày 31/10/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có Công văn số 3293 và 3294/ SNN&PTNT-ĐĐ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, tham gia ý kiến về đề nghị của Doanh nghiệp Thắng Hiền và Công ty Vân Lộc, xin thăm dò và đánh giá lại trữ lượng mỏ cát 45 và 46 xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, nêu: “Sau khi kiểm tra thực tế cho thấy, mỏ cát số 45 của Doanh nghiệp Thắng Hiền, vị trí nằm ở đoạn sông cong, phía bờ hữu sông Mã (một phần diện tích là đất lòng sông, một phần là đất bãi bồi ven sông), lòng sông khu vực này rộng từ 150 - 210m, bên bờ hữu giáp mỏ là bãi sông rộng. Bên bờ tả, đoạn thượng lưu mỏ là bãi sông đang được nhân dân trồng màu, đoạn hạ lưu mỏ là núi cao. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, phía đối diện với mỏ cát số 45 bên bờ tả đang có diễn biến sạt lở bờ sông…”. Đối với mỏ cát số 46 của Công ty Vân Lộc: “Do khu vực bờ sông phía tả của mỏ cát số 45 và bờ sông phía hạ lưu, kè bãi bên tả của mỏ cát số 46 đang có diễn biến sạt lở. Vì vậy, Sở NN&PTNT không thống nhất đề nghị của Doanh nghiệp Thắng Hiền và Công ty Vân Lộc xin thăm dò đánh giá lại trữ lượng mỏ cát trên”.

Ngày 17/10/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, về tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng, kiểm tra tất cả các điểm sạt lở trên các tuyến đê và làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các dự án khai thác cát trên địa bàn tỉnh đã được cấp phép khai thác. Trước đó, ngày 6/7/2017 và ngày 19/7/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 7794 và số 8342 gửi 2 Doanh nghiệp tư nhân Thắng Hiền và Vân Lộc có nội dung: “Đồng ý với đề nghị của Sở TN&MT, không chấp thuận chủ trương thăm dò đánh giá lại trữ lượng để gia hạn thời gian khai thác mỏ cát số 45 tại xã Cẩm Vân. Sau khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn (ngày 31/7/2017), yêu cầu doanh nghiệp dừng mọi hoạt động khai thác, di dời máy móc thiết bị ra khỏi khu vực mỏ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước...”.

Như vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản không đồng ý cho gia hạn là đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thế nhưng, Sở NN&PTNT Thanh Hóa lại có văn bản cùng số, cùng ngày nhưng với nội dung bị chỉnh sửa từ có “sạt lở” thành “không sạt lở” gửi Sở TN&MT để tiếp tục cấp giấy phép cho các mỏ cát này hoạt động trở lại đã bị dư luận đặt câu hỏi: “Sở NN&PTNT lập lờ câu chữ để UBND cấp giấy phép cho các mỏ cát nêu trên hoạt động trở lại là nhằm mục đích gì?”.

Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra lại mức độ sạt lở bãi màu của dân để điều chỉnh việc có nên hay không tiếp tục cho các mỏ cát trên hoạt động trở lại.

Tác giả: Phạm Ngọc

Nguồn tin: Báo Bảo vệ pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok