Trong tỉnh

Đô thị phát triển mạnh nhờ cơ chế đặc thù

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 và ngày 13/7/2022 HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 303/NQ-HĐND, tạo động lực cho thành phố Thanh Hóa phát triển hướng tới đô thị thông minh, hiện đại.

Đô thị Thanh Hóa phát triển mạnh nhờ cơ chế đặc thù.


Từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (viết tắt NQ 05) và Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa, ngân sách thành phố Thanh Hóa được hưởng 100% số tiền thu sử dụng đất thu được từ 19 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn thành phố (viết tắt NQ 303). Thành phố Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị lập quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040”. Qua đó, UBND thành phố Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, rà soát, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa phương án giải quyết đối với các dự án tồn đọng kéo dài.

Giai đoạn 2021-2023 và 6 tháng năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế của thành phố Thanh Hóa được hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật như tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 91.826 tỷ đồng, bằng 51,01% kế hoạch cả nhiệm kỳ 2020-2025 và NQ 05 đề ra (180.000 tỷ đồng). Thu ngân sách Nhà nước đạt 10.183,2 tỷ đồng, đạt 128% dự toán tỉnh và 110% dự toán thành phố giao. Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề hoạt động. Từ năm 2021 đến nay, đã có 5.549 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 85,4% mục tiêu NQ 05 đề ra (6.500 doanh nghiệp). Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của thành phố đạt 84,86 triệu đồng, cao hơn 14,86 triệu đồng so với năm 2020 và gấp 1,53 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, hạ tầng đồng bộ, hiện đại cũng là điểm nhấn nổi bật sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết. Riêng năm 2024, thành phố Thanh Hóa đã khởi công 4 dự án trọng điểm là dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông Tây; Dự án Cung văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục, thể thao thành phố; cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An; mở rộng Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để tiếp tục khởi công 3 dự án trọng điểm vào cuối năm 2024. Một số công trình hạ tầng, giao thông, các khu đô thị lớn được đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào sử dụng như Đại lộ Đông Tây, đường nối từ trung tâm thành phố đi Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu đô thị xã Hoằng Quang và phường Long Anh. Công tác quản lý trật tự đô thị được tăng cường mà điểm nhấn là đã xử lý hiệu quả việc sử dụng trái phép các gầm cầu để buôn bán, tháo dỡ các ki-ốt bán hàng và điểm trông giữ xe xây dựng trái phép ở nhiều nơi.

Với mục tiêu xây dựng thành phố Thanh Hóa là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Tác giả: Thảo Chi

Nguồn tin: baoxaydung.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok