Chưa chính thức khai giảng, nhưng hầu hết các trường đã bắt đầu áp dụng lịch học và thời khóa biểu như chính khóa để học sinh làm quen với nề nếp của năm học mới.
Đỏ mắt tìm dịch vụ đưa đón chuyên nghiệp
Có con đang học tiểu học và trung học phổ thông, điều chị Đào Nguyệt Ánh (phố Nguyên Hồng, Hà Nội) lo lắng nhất là không thể thu xếp được công việc để đón con vào mỗi buổi chiều. Cậu con trai học lớp 2 tan học vào 16h20, còn cô con gái lớn của chị năm nay vào lớp 6, tan học vào 16h45 hằng ngày.
Vợ chồng chị Ánh đều làm việc tại công ty nước ngoài, 18h mới hết giờ làm việc. Con chị học trường công, không có dịch vụ xe đưa đón. Không thể để con lang thang trong trường đợi bố mẹ đến đón, chị đã dò hỏi, tìm kiếm khắp nơi để tìm một dịch vụ chuyên nghiệp đón con đi học về nhưng tìm đỏ mắt vẫn không có kết quả.
Đưa đón con mỗi khi tan học là lo lắng của nhiều phụ huynh |
Chị Ánh chia sẻ: Thông qua mạng xã hội, qua bạn bè, tôi được giới thiệu một vài trung tâm có dịch vụ dành cho học sinh sau giờ học, bao gồm đưa đón, cho các cháu vệ sinh cá nhân, ăn nhẹ và làm bài tập tại trung tâm. Tuy nhiên, liên hệ đến các địa chỉ trên đều không còn hoạt động.
Trao đổi với PNVN, anh Nguyễn Văn Tú, giám đốc điều hành tại một trung tâm ngoại khóa dành cho trẻ em tại ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cho biết: Trung tâm của anh có thiết kế chương trình đưa đón và chăm sóc, hoạt động ngoại khóa sau giờ học chính khóa, cho đối tượng là học sinh cấp 1, cấp 2. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động thử nghiệm, chương trình này buộc phải tạm dừng vì để hoạt động chuyên nghiệp, trung tâm cần phải thu một mức phí từ 250.000 – 300.000 đồng/buổi và chỉ được một thời gian ngắn vì phụ huynh không chấp nhận được mức chi phí khá cao đó.
Không phải học sinh nào cũng có thể tự đi về, không cần gia đình đưa đón |
Để phục vụ nhu cầu của các gia đình bận rộn, nhiều cá nhân, nhóm cá nhân đã mở dịch vụ tự phát đón học sinh tan học về nhà, đưa các cháu đi học thêm vào buổi tối….
Nở rộ các dịch vụ tự phát
Chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Đông, Hà Nội) may mắn khi hàng xóm cũng có con học cùng trường con gái chị, nên nhận việc luôn đón con giúp chị Hiền. Mỗi tháng chị Hiền chỉ phải trả 400.000 đồng, để phụ tiền xăng xe.
Bên cạnh những người tranh thủ làm thêm công việc đưa đón, còn không ít người người kiếm được thu nhập ổn định từ công việc này.
Chị Hoàng Bích Quyên (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) nhận may gia công tại nhà nên thời gian khá linh hoạt. Mỗi buổi chiều, chị nhận thêm công việc đưa đón 3 học sinh cho các gia đình gần nhà. Chị Quyên cho biết, với hai cháu tiểu học, chỉ cần đón tại trường và đưa về nhà, mỗi tuần chị được trả 300.000 đồng/cháu.
Với cháu bé cấp 2, đang học lớp 8, công việc có vất vả hơn đôi chút. Buổi trưa, chị đón cháu về nhà. Buổi chiều và tối lại tiếp tục đưa cháu đến các lớp học thêm.
Chị Quyên cho biết: “Mẹ cháu hay nói vui là cô Quyên còn thuộc lịch học thêm của cháu hơn cả bố mẹ. Có những ngày mẹ cháu bận, không kịp chuẩn bị đồ ăn để cháu đi học, tôi còn nhận luôn cả việc nấu hoặc mua đồ ăn nhẹ cho cháu. Một tháng, tôi tính tiền từ 1,2 triệu đến 1,8 triệu, tùy theo số buổi đưa đón cháu nhiều hay ít.”
Các dịch vụ đưa đón học sinh tự phát nở rộ trước thềm năm học mới |
Vào mỗi buổi chiều, tại cổng các trường tiểu học hay cấp 2 ở Hà Nội, dễ dàng nhận thấy không ít những người đang làm công việc như chị Quyên.
“Đội quân” đưa đón học sinh tự phát này còn có cả các bác xe ôm truyền thống, sinh viên, chị em nội trợ, các bác hưu trí muốn kiếm thêm thu nhập. Giữa người làm dịch vụ và các gia đình cần đưa đón con thường có mối quan hệ quen biết, nên các thỏa thuận sử dụng dịch vụ thường bằng miệng, giữa các cá nhân với nhau.
Những bất cập khi sử dụng dịch vụ
“Tìm được người quen biết, tin tưởng để đưa đón con không phải là dễ, nên đôi khi thấy không hài lòng, mình vẫn phải bấm bụng cho qua”, anh Đỗ Xuân Tùng (Q. Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ. Mới nhờ một bác xe ôm gần nhà đón con được 10 ngày, nhưng con anh Tùng đã 2 lần phải đứng đợi ở cổng trường tới gần 30 phút, vì bác còn bận đi trả khách, chưa về đón kịp.
Bạn nên nhắc con tự chủ động đội mũ bảo hiểm để giữ an toàn |
Giờ ra về của học sinh cũng là lúc những người làm dịch vụ đưa đón bận rộn, để có thể đón được nhiều bé cùng một lúc, nên không ít người bỏ qua luật an toàn giao thông, chở ba, bốn cháu một chuyến, không cho các cháu đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, vượt đèn đỏ… Biết là bất cập, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, không thể tự đưa, đón con được, nhiều phụ huynh vẫn phải nhờ đến các dịch vụ tự phát này.
Tác giả: Trần Lê
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam