Xã hội

Địa phương để tàu 67 hỏng phải chịu trách nhiệm

Câu chuyện xử lý trách nhiệm, khắc phục hậu quả vụ 40 tàu thép vừa đóng mới đã hư hỏng tiếp tục làm nóng...

Hàng loạt tàu cá vừa đóng đã hỏng gây thiệt hại cho ngư dân, bức xúc trong xã hội - Ảnh: Hoàng Trọng

Câu chuyện xử lý trách nhiệm, khắc phục hậu quả vụ 40 tàu thép vừa đóng mới đã hư hỏng tiếp tục làm nóng Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), ngày 1/8.

Tháng 8 sẽ hoàn tất sửa chữa tàu cá vỏ thép bị hỏng

Đánh giá kết quả thực hiện chính sách Nghị định 67 thời gian qua, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay: Tính đến 31/7, đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp. Về việc 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam bị hư hỏng, ông Tám nhận định: “Đây là lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng từ việc chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế, đến giám sát thi công. Công tác đăng kiểm cũng còn thiếu về nguồn lực, trình độ. Một số tàu vỏ thép của ngư dân vừa đóng đã bị hư hỏng gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các tàu cá vỏ thép hư hỏng hiện đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan khắc phục, sửa chữa theo quy định, dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành và tiếp tục đi vào hoạt động.

Từ phía địa phương, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, ngư dân có tàu hư hỏng phải nằm bờ đang gặp nhiều khó khăn. “Tỉnh Bình Định đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bàn bạc để có giải pháp đền bù cho những ngư dân này. Hiện, Sở NN&PTNT đang tính toán số tiền đền bù cụ thể”, ông Châu nói và cho biết thêm, UBND tỉnh đang kiểm tra tình trạng khó khăn của từng hộ, xem xét hỗ trợ gạo. Tất cả các hộ này đều kiến nghị ngân hàng xem xét giãn thời gian trả nợ. Trước đây, mỗi tháng trả một lần, nay ba tháng, 6 tháng trả một lần hoặc khoanh nợ một năm cho ngư dân.

Để trách nhiệm chính quyền địa phương rõ ràng hơn, ông Trần Châu đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép UBND tỉnh tham gia quá trình đóng tàu mới từ đầu đến lúc tàu đi vào vận hành khai thác. Nếu không làm thế thì tình trạng tàu cá đóng mới kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn ra.

Xử lý nghiêm cá nhân vi phạm

Nhấn mạnh việc phát triển đội tàu cá trên biển không thuần túy đảm bảo mục tiêu kinh tế mà có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư nhận xét: So với mục tiêu đề ra, kết quả đạt được còn khiêm tốn: Mới đạt 1/3 số tàu được đóng, thiếu cơ sở hạ tầng, các cảng chưa được nâng cấp tương thích, hệ thống cảnh báo, vấn đề đào tạo thuyền viên, việc thanh, kiểm tra giám sát...

Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư cũng đề nghị cần xác định trách nhiệm rõ ràng hơn, đồng thời thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo triển khai. “Tiếp tục hỗ trợ đóng mới để nâng cấp tàu cá với cơ chế linh hoạt. Mục tiêu không để tăng số lượng tàu, mà chú trọng nâng cấp, hiện đại hóa tàu cá, nhất là tàu đánh bắt xa bờ, để nâng cao hiệu quả đánh bắt”, ông Phát nói.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, quá trình tổ chức thực hiện quy định của Nghị định 67 còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, chính sách về đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cơ sở hạ tầng thấp và thiếu đồng bộ, đầu tư chưa tương xứng; Chính sách tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, giải ngân vốn vay có lúc còn chậm, thủ tục vay gây khó khăn cho ngư dân… Đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng tàu cá cần phải nghiêm túc xem xét. “Thời gian qua, chúng ta chưa rà soát từ khâu tư vấn, thiết kế tới sản xuất lắp ráp tàu. Công tác giám sát và đăng kiểm chính là hạn chế lớn nhất khiến hàng chục con tàu vỏ thép đóng mới ở Bình Định và các địa phương khác không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho ngư dân, bức xúc trong xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Qua đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm trong việc đóng mới tàu cá không đảm bảo chất lượng. Đồng thời phải tổng hợp, rà soát cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp tàu cá, không đảm bảo, thiếu chuyên nghiệp ra khỏi danh sách; Chấn chỉnh công tác đăng kiểm tàu cá đảm bảo đúng quy định...

Đối với tỉnh, thành phố ven biển, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai đồng bộ các nhóm chính sách theo Nghị định 67, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. “Rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc từ sự cố tàu thép đóng mới hư hỏng. Địa phương nào còn để tàu hỏng thì chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và giao Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì nghiên cứu và trình Dự thảo Nghị định 67 sửa đổi, bổ sung ngay trong quý IV/2017.

Tác giả: Duy Đăng

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: tàu Indonesia , hư hỏng , tàu 67

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok